Theo ông Chính, dự thảo Nghị định sẽ điều chỉnh nhiều quy định hiện hành, tập trung vào phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai giữa các cấp chính quyền.
Cụ thể, một số nhiệm vụ, quyền hạn trước đây thuộc cấp huyện sẽ được chuyển giao cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ quan chức năng cấp xã. Đối với các khu đất có mặt nước như ao, hồ, đầm trải dài trên nhiều xã, phường, thẩm quyền sẽ thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 188 của Luật Đất đai.
Cục Quản lý đất đai cũng đang rà soát và đề xuất sửa đổi hàng loạt nghị định liên quan, bao gồm: Nghị định về giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hệ thống thông tin đất đai; và các quy định về đất trồng lúa.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu việc tổ chức lại Trung tâm phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai; đồng thời đề xuất thay thế quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bằng quy hoạch cấp xã và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp xã.
Ngoài ra, các quy định liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng được rà soát, điều chỉnh. Dự thảo cũng đề xuất bổ sung các quy định chuyển tiếp trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định này có ý nghĩa quan trọng cả về thể chế và thực tiễn, góp phần cụ thể hóa Luật Đất đai trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. “Nghị định sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, tăng tính tự chủ cho địa phương, giảm tải cho cấp tỉnh, đồng thời đẩy mạnh phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai”, ông nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị lồng ghép các thủ tục về đất đai với lâm nghiệp, đồng thời nghiên cứu mối quan hệ giữa giao đất và giao rừng, cùng với chính sách đền bù cây rừng. Các nội dung này sẽ được lấy ý kiến từ địa phương trước khi hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính khoảng 30%, trong đó cần đảm bảo việc giải quyết thủ tục không phụ thuộc vào địa giới hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phương Thảo(t/h)