Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, đảm bảo thống nhất, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Trước đó, tại Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 08/10/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về kết nối dữ liệu của các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế đảm bảo an ninh tiền tệ. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm của bộ, ngành và lộ trình triển khai rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách về quản lý TMĐT, kiểm soát dòng tiền, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu, thực hiện chuẩn hóa, số hóa...

Hiện Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ và đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Theo đánh giá của Bộ Tài chính,  trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai nhiều biện pháp cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ, thúc đẩy TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, việc chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai hóa đơn điện tử đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực trong việc hỗ trợ người nộp thuế trong nước cũng như nhà cung cấp nước ngoài không có địa điểm kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam được thuận lợi.

Tuy nhiên, kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng cả trên nền tảng cũng như thị trường kinh doanh, những ứng dụng của công nghệ số xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong đời sống xã hội như các trang TMĐT, quảng cáo trực tuyến, các ứng dụng hỗ trợ dịch vụ vận chuyển, giao nhận và các hình thức xuyên biên giới trong lĩnh vực TMĐT, cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nền tảng số của các nhà cung cấp trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam... Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ về số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng đã đặt ra thách thức trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Để giải quyết những vấn đề phát sinh này, trong dự thảo Bộ Tài chính đã đề ra nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành; cụ thể Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi chính sách pháp luật có liên quan để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, trong đó tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi không cung cấp thông tin làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, hải quan. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động cung cấp, sản phẩm, dịch vụ số xuyên biên giới... Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý thuế theo rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn.

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật có liên quan để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT không lưu giữ đầy đủ thông tin theo quy định của tổ chức, cá nhân bán hàng thông qua sản phẩm làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, hải quan... Phối hợp trao đổi thông tin để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp để xử lý vi phạm về hoạt động TMĐT theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT không kê khai, nộp thuế. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật có liên quan phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế...; trong đó bổ sung chê staif xử lý tạm dừng, thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế...

Bộ Công an nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch TMĐT, gắn định danh điện tử với mã số thuế để quản lý thống nhất định danh công dân trên toàn bộ các hệ thống của ngành Thuế theo mã định danh công dân phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động TMĐT.... Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kết hoạch phối hợp, trao đổi thông tin, chai sẻ dữ liệu để tăng cường quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên không gian mạng, dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, ví điện tử, chuyển tiền; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới tại Việt Nam; các cá nhân có thu nhập từ quảng cáo do cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nội dung thông tin số trên các nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới trên mạng, thông tin cá nhân có hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website TMĐT, mạng xã hội. Ngân hàng Nhà nước xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT; thiết lập cơ chế quản lý và giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong TMĐT... 

PV