Chất lượng không khí ở Hà Nội đang xuống thấp

Chất lượng không khí ở Hà Nội đang xuống thấp (Ảnh VOV)

Dựa vào số liệu của 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của Tổng cục Môi trường, 11 trạm của TP. Hà Nội và 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) trong khoảng thời gian từ 12/9 - 29/9, theo đó, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ 12 - 17/9, sau đó giảm từ 18 - 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23/9 đến nay.

Đặc biệt từ 25 - 29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam. Nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức xấu, đặc biệt trong ngày 29/9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm đại sứ quán Mỹ vượt mức xấu (AQI hơn 200).

Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân dẫn đến xu hướng biến động bụi PM2.5 tại các thành phố phía bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

Nhận định sơ bộ nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh khuếch tán xuống nước ta, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ khu vực ngoại thành góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Ngoài ra, theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013-2019 cho thấy năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày từ 21 - 30/9, toàn bộ khu vực Hà Nội không mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm bụi tăng đột biến trong không khí.

Trước đó, nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường cho rằng, môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị nhanh với mật độ công trình xây dựng quy mô lớn; sự gia tăng dân số cơ học; lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các số liệu quan trắc nhiều năm tại các trạm quan trắc cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảnh báo ô nhiễm...

Để khắc phục tình trạng này, một số chuyên gia môi trường cho rằng Hà Nội cần sớm ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm tình trạng xây dựng không che chắn, để bụi bặm phát tán ra môi trường. Ngoài ra, xây dựng ý thức tham gia giao thông bằng những chương trình như: Tắt máy khi không cần thiết, khuyến khích đi bộ… Mặt khác, vẫn phải duy trì, và triển khai thêm các trạm quan trắc không khí tự động.

Vương Hằng