Sáng 28/02, Bộ trưởng hai Bộ Công Thương, Tài chính giải trình ủy ban kinh tế quốc hội về hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến xăng dầu.

Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành, như doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến bị động khi phải tìm nguồn thay thế;

Tình trạng xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch cũng được đại biểu nêu ra.

Các đại biểu cũng quan tâm đến phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh;

Bên cạnh đó, việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới...

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại phiên giải trình
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại phiên giải trình.

Giải trình liên quan đến Nghị quyết số 499 về công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đã phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Tờ trình, dự thảo nghị định trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, góp phần bảo đảm việc sửa đổi nghị định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về cơ sở, căn cứ điều hành giá, nguyên tắc và tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Hai Bộ trưởng cũng giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cụ thể trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến bảo đảm nguồn cung, phương pháp tính giá, thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, về dự trữ xăng dầu…

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương cho biết, 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu. Tỷ giá đồng đô la và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối…

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chú trọng bám sát diễn biến thị trường; chủ động đánh giá, dự báo tình hình và kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số giải pháp trọng tâm để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trong đó, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí quốc gia khẩn trương đàm phán, thống nhất giải pháp tái cấu trúc tổng thể Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn để bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả; yêu cầu, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống…

Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Về công tác điều hành giá, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.

Liên quan đến dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 09 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, theo Bộ trưởng Diên, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước (hiện mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.

Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 01-02 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ đã thành lập 3 Đoàn thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu trong cả nước nhằm bảo đảm hệ thống cung ứng, kinh doanh xăng dầu trong nước hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Kết quả trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường của Bộ đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước; thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.

Phương Thảo (t/h)