Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. (Ảnh: chinhphu.vn)
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi:
Cử tri và bản thân tôi thắc mắc về tình trạng kiểm soát chất lượng thuốc, đặc biệt tình hình thuốc giả và kém chất lượng chưa thấy có đánh giá cụ thể. Nhất là động thái của Bộ Y tế thể hiện tính quyết liệt của mình trong việc bịt lại những lỗ hổng, khe hở để thuốc giả có thể tuồn vào thị trường và làm hại người dân, cũng như cơ chế sẽ tiến hành bồi thường thế nào cho người dân đã bị hại bởi thuốc giả này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thời gian qua, việc ban hành Luật Dược, Nghị định 54 và một loạt các thông tư đã từng bước góp phần quản lý về chất lượng, hạn chế thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Các thông tư ban hành về tiêu chuẩn, kết hợp với Bộ Khoa học và công nghệ về tiêu chuẩn, quy chuẩn các chất lượng cùng với các dược điển của Việt Nam kết hợp với dược điển quốc tế.
Việc ban hành thông tư quản lý chặt chẽ hơn vấn đề đăng ký thuốc và nhập khẩu thuốc và các văn bản như Nghị định sửa đổi Nghị định 176 về các loại hình và hình thức xử phạt, kết hợp với Bộ luật Hình sự xung quanh vấn đề xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng với chế tài nghiêm minh hơn.
Về vấn đề tiền kiểm, Bộ cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn nhà máy GMP và kiểm tra định kỳ cũng như kiểm tra đột xuất. Về hậu kiểm, tăng cường hệ thống năng lực của các phòng thí nghiệm, các cơ quan kiểm nghiệm nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế. Việc kiểm tra ngẫu nhiên, lấy mẫu hệ thống được tiến hành nhiều hơn để tăng cường phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với BCĐ 389 quốc gia và BCĐ 389 của Bộ, Bộ Công an, cùng với cơ quan điều tra và các lực lượng của địa phương để thanh tra, kiểm tra, phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đặc biệt, tiến hành kiểm tra, 100% hàng nhập khẩu từ các công ty nước ngoài đều phát hiện vi phạm.
Theo Bộ trưởng Kim Tiến, Luật Dược quy định khi kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, nếu phát hiện có điểm đáng nghi thì phải đến tận nơi, nước sản xuất ra sản phẩm đó, việc này rất khó khăn về nhân lực cũng như kinh phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, tới đây, những hồ sơ có nghi ngờ thì sẽ đến tận nơi sản xuất để kiểm tra.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan điều tra phối hợp xử lý thật nghiêm, kể cả hành chính và hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm để làm gương. Đây là một vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và đạo đức nghề nghiệp. Bộ Y tế đang và sẽ quyết liệt trong ban hành văn bản pháp luật để từng bước hạn chế vấn đề này.
Đoàn Huế