Hôm nay, 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, chúng ta luôn khẳng định xây dựng và hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 khâu đột phá và dự thảo văn kiện tại Đại hội Đảng sắp tới cũng tiếp tục khẳng định điều này. Chính phủ cũng xác định rõ tầm quan trọng của thể chế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn chứng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 31 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 110 đề nghị xây dựng luật, dự án luật. Đã trình Quốc hội cho ý kiến 52 dự án luật, thông qua 58 dự án luật, 18 dự thảo nghị quyết.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, trong đó, ngành tư pháp là một lực lượng nòng cốt, tham mưu trực tiếp. Ngoài các công việc chung như các bộ, ngành khác thì Bộ Tư pháp làm thêm một số việc với tư cách là cơ quan chuyên về xây dựng pháp luật.
Đối với kết quả Bộ Tư pháp đạt được thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp mới đây với đánh giá, nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua các nền tảng số.
Nhiều lĩnh vực trước đây chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện, đến nay từng bước được xã hội hoá. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng rãi, với nhiều phương thức đa dạng. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.
Qua báo cáo của Bộ Tư pháp và trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cũng như các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao các kết quả mà Bộ Tư pháp đã đạt được và nhấn mạnh một số nội dung nổi bật.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, ngành tư pháp đã đóng góp một cách rất trách nhiệm, hiệu quả và có bản lĩnh trong việc giải quyết một số việc đã tích tụ từ lâu. Công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp đã tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Bên cạnh các kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, như chất lượng xây dựng thể chế; công tác chuyển đổi số của ngành tư pháp còn chậm, có dấu hiệu một số cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, tham mưu không rõ ràng…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, chúng ta phải tiến hành đồng thời 3 việc là chuẩn bị nội dung và nhân sự để tổ chức Đại hội Đảng các cấp, phải đạt tăng trưởng hơn 7% để hoàn thành được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bối cảnh đó đặt nhiều nhiều khó khăn, thách thức đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành tư pháp.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ đối với ngành tư pháp trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu quán triệt nghiêm túc, đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, trong đó, lưu ý việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, chi phí tuân thủ thấp, đến được với ngươi dân, doanh nhiệp, nâng cao năng suất và chất lượng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Trong năm 2025, thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới". Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt công tác này, trong đó cần lưu ý lấy ý kiến của các tầng lớp, cơ quan, bộ, ngành.
Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nền hành chính không bị gián đoạn.
Khối lượng công việc đồ sộ, cần xác định rõ đầu bài, việc gì khả thi, việc gì làm trước, việc gì làm sau để bảo đảm kịp thời gian, chất lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Tư pháp cần quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số, coi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt, tròn vai đối với các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp.
Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần nghiêm túc, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo định hướng là giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong. Không sắp xếp một cách cơ học, không để gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Tư pháp, ngành tư pháp phát huy vai trò, tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, trong đó có việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Phó Thủ tướng mong muốn các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành tư pháp, đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2024, Bộ Tư pháp, cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết.
Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực. Trong gần 2 tháng thực hiện thí điểm, đã cấp 70.000 Phiếu LLTP điện tử (chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên toàn quốc).
Bộ Tư pháp cho biết, nhiệm vụ năm 2025 là rất nặng nề. Bên cạnh việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn tổ chức bộ máy của chính mình với tinh thần "không làm không được, khó mấy cũng phải làm", "gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung", Bộ sẽ phải tham mưu Chính phủ sửa đổi nhiều luật quan trọng.
Quan trọng nhất, cũng khó nhất là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ phải trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 với yêu cầu rất cao.
Cụ thể, phải đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Luật mới phải cải tiến quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn, gắn kết chặt chẽ với thi hành pháp luật. Qua đó, bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên phải sửa đổi.
Dự hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Pháp luật trong thời gian tới và cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư pháp - cơ quan gác cổng của Chính phủ về xây dựng pháp luật.
Ông cũng cho biết, trước các yêu rất mới, Thường trực Ủy ban Pháp luật đang được lãnh đạo Quốc hội giao tham mưu, chuẩn bị tổ chức diễn đàn pháp luật về chủ đề đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Đây cũng là nhiệm vụ chung mà Bộ Tư pháp đang ưu tiên.
Còn về nhiệm vụ trước mắt, hai cơ quan đang phải phối hợp, trao đổi để tham mưu về giải pháp pháp lý phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang triển khai một cách quyết liệt.
Bước đầu, Bộ Tư pháp đã xác định có trên 150 luật ghi tên cụ thể các bộ. Tức là khi kết thúc hoạt động, sáp nhập các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm các tổng cục và tương đương, thì sẽ phải xử lý về mặt pháp lý tên các cơ quan này trong các đạo luật.
Với các yêu cầu rất cao về tiến độ, quá trình pháp lý này sẽ triển khai theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, không đợi tổng kết. Có thể Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội "2 trong 1", tức là vừa trình bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các luật, nghị quyết cần sửa, cần ban hành; vừa trình nội dung dự thảo.
Bộ Tư pháp đã phát huy vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, đã tham mưu, đề xuất việc một luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, một luật sửa 4 luật về đầu tư. Kết quả nổi bật nữa là việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực với trên 621.000 việc được thi hành xong, thu được trên 117.000 tỷ đồng (tăng hơn 45.000 việc và hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).
PV/chinhphu.vn