Câu chuyện hợp pháp hóa mại dâm mới đây lại được đưa ra để “mổ xẻ”, có người ủng hộ, có người phản đối gay gắt vì trái với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay mại dâm ngày một “nở rộ” dưới nhiều hình thức, trong đó đi cùng sự phát triển của mạng xã hội. Bên cạnh mại dâm nữ, còn một bộ phận mại dâm nam đồng giới, cũng như những người chuyển giới.
Tại buổi tọa đàm "Có nên công nhận mại dâm là một nghề?" diễn ra vào chiều 5/4, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách, Phòng chống mại dâm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay số nước cho phép hoạt động mại dâm lớn hơn số nước không cho phép. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng bày tỏ, trong những lần Bộ Lao động làm việc với các đối tượng mại dâm, đều nhận được mong muốn công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp để những người hành nghề mại dâm được bảo vệ, tránh sự đánh đập, bóc lột, cũng như nhiều người muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội để học nghề, thay đổi công việc đang làm...
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính
Tại buổi họp báo công tác tư pháp Quý I năm 2018, trả lời báo chí xung quanh câu hỏi có nên công nhận mại dâm là một nghề đặc biệt, chịu sự quản lý của Nhà nước hay không. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: “Pháp luật hiện hành chưa công nhận mại dâm là một nghề vì một số biện pháp xử phạt hình sự, hành chính vẫn xử phạt đối với người hành nghề mại dâm. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328), tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định việc xử phạt đối với hành vi mua bán dâm. Việc tới đây có công nhận hay không chắc cần cả quá trình nghiên cứu về mặt chính sách sau đó có văn bản pháp luật quy định rõ ràng.”
Quang Nam