Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, đội ngũ viên chức, nhân viên y tế đã tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Những cố gắng, nỗ lực của viên chức, nhân viên y tế được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy vậy, hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, viên chức, nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, vất vả: cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đó thu nhập lại bị giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong hai năm vừa qua, đã có nhiều nhân viên y tế nghỉ việc hoặc bỏ việc.
Để có thông tin phục vụ công tác quản lý cũng như có biện pháp duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình nhân viên y tế nghỉ việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân, thời điểm thống kê từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/06/2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong hai năm qua, ở Hà Nội có gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 04/2022, có tới 226 nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc, 17 người khác xin chuyển công tác.
Tại TP HCM cao hơn khi chỉ tính riêng năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc.
Tại Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc, số này cao hơn nhiều so với các năm trước…
Linh Tuệ