1. Bốn hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Căn cứ khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì 04 hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cụ thể là các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, bao gồm:

(i) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

(ii) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

(iii) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

(iv) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Công cụ tra cứu mã số thuế và thông tin doanh nghiệp (cập nhật mới)
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024]
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

04 hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Bốn hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Các khái niệm về nhãn hiệu

Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

2.1. Nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu tập thể được quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

2.2. Nhãn hiệu chứng nhận

Nhãn hiệu chứng nhận theo khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

2.3. Nhãn hiệu nổi tiếng

Căn cứ khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) thì nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Điều kiện chung mà nhãn hiệu được bảo hộ cần đáp ứng

Theo đó, nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng những điều kiện cụ thể theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) như sau:

(i) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.

(ii) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)