Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Hanel PT Trần Thị Thu Trang
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Hanel PT Trần Thị Thu Trang.

Được biết, Hanel PT là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, bảng mạnh, sensor cảm biến điện tử công nghệ cao… Vậy “cơ duyên” nào chị lại đến với lĩnh vực này?

Là con gái duy nhất trong gia đình 4 anh em nên tôi được mẹ cưng chiều nhất mực. Tuy nhiên, thay vì đáp ứng mong mỏi của mẹ là học ngành sư phạm - làm nhà giáo cho đỡ vất vả, thì tôi đã giấu cả gia đình, nhập học Trường ĐH Ngoại thương mà mình yêu thích.

Khi còn là sinh viên, tôi đã đam mê – học tiếng Nhật. Ngoài giờ học, tôi còn làm part-time, phiên dịch cho những khách hàng có nhu cầu để nâng cao vốn ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp. Trong một lần làm phiên dịch cho một đoàn chuyên gia Nhật Bản về công nghệ điện tử, thấy họ nói về điện cực âm, điện cực dương, nói về các sensor và công nghệ tương lại sẽ là công nghệ AI, 4.0… Thấy họ trình bày rất cuốn hút nên tôi cứ thế miệt mài dịch, rồi tra tài liệu về ngành điện tử mà các chuyên gia đưa cho. Tìm hiểu càng sâu, thì tôi lại càng bị cuốn hút. Rồi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao nó lại hấp dẫn đến thế?

Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại tra cứu, đọc rất nhiều tài liệu về công nghệ. Từ đó, tôi càng say mê và bị cuốn vào ngành công nghệ điện tử lúc nào không hay!

Cùng thời điểm đó, tôi nhận thấy rằng, đất nước đang tiến trình CNH-HĐH mạnh mẽ. Rõ ràng, công nghệ điện tử, cho tới bây giờ vẫn là một trong 4 công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghệ điện tử nước nhà còn non trẻ. Với mong muốn góp một phần sức lực, tôi quyết tâm theo ngành máy móc điện tử từ đó.

Sau khi lập công ty, tôi đã trích một khoản tiền khá lớn để thuê hẳn một tập đoàn đánh giá về xu thế của ngành công nghệ cảm biến điện tử trong 30 năm tới. Tôi nhớ, lúc đó họ chỉ chắc chắn đây vẫn là ngành hàng đầu trong 10 năm tới. Song, họ có đưa cho tôi bản khảo sát đánh giá về lĩnh vực này trong tương lai gần (20 năm sau đó), khi ấy tôi mới thêm vững tâm theo lĩnh vực công nghệ cảm biến điện tử. Từ đó, tôi đã quyết định đầu quân, làm việc và thuyết phục Tập đoàn Nhật Bản hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Bây giờ, giá có cho làm lại, thì chắc mình không dám làm kiểu đó nữa. Vì ngày ấy, tuổi trẻ nghĩ cái gì cũng đơn giản mà!

Giải thưởng và chứng nhận trong và ngoài nước
Giải thưởng và chứng nhận trong và ngoài nước.

Suốt 22 năm cống hiến trong ngành công nghệ cảm biến điện tử, đâu là dấu ấn làm nên một thương hiệu Việt, giúp DN tăng trưởng xanh và nâng tầm chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người tiêu dùng?

Để làm nên một dấu ấn thương hiệu Việt, điều đầu tiên tôi chú trọng đến đó là con người. Bởi, theo quan điểm của mình, nếu không có con người tốt và tử tế, thì sẽ không thể tạo ra một sản phẩm tốt được.

Nếu như trước kia, Hanel PT chỉ xuất khẩu các linh kiện máy móc điện tử… thì bây giờ, Công ty đang hướng tới - đưa cả hệ thống máy móc ra nước ngoài.

Để có được thành công trên, theo tôi, có 3 yếu tố rất quan trọng.

Trước hết đó là yếu tố công nghệ. Trong lĩnh vực sản xuất máy móc, linh kiện điện tử, bao giờ yếu tố công nghệ cũng phải dẫn đầu, linh hoạt thích ứng và luôn đổi mới về công nghệ. Phải chủ động nắm bắt xu thế để tránh phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Đây là yếu tố mà Hanel PT luôn đặt lên hàng đầu và theo tôi, các DN Việt  cần phải có để thúc đẩy đất nước phát triển.

Nhìn vào sản phẩm máy sấy lạnh SASAKI mà Hanel PT đang có, các DN nước ngoài thực sự bất ngờ: Vì sao một DN Việt lại có thể làm chủ được công nghệ như vậy; có thể sản xuất được 100% sản phẩm?

Gần đây, có một DN Nhật Bản chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, đã tìm đến sản phẩm máy sấy lạnh SASAKI. Họ bất ngờ và cho biết thực sự may mắn vì tìm thấy được một sản phẩm tốt như vậy, mà không nghĩ sẽ tìm được tại chính Việt Nam! Với chất lượng không khác gì máy nhập khẩu, lại nội địa hóa tới 95%, cũng như tiết kiệm được 70 - 83% điện năng so máy sấy điện nhiệt thông thường, giảm chi phí năng lượng sản xuất… thì đây hoàn toàn là một sản phẩm hữu ích và thực tế.

Một điều nữa, hầu hết công ty trong lĩnh vực này muốn xuất khẩu ra nước ngoài, đều phải qua nhà phân phối. Vậy nhưng, SASAKI tự hào là đơn vị duy nhất ở Việt Nam tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. SASAKI đã và đang trở thành giải pháp chế biến và bảo quản nông sản hiệu quả nhất trên thị trường hiện nay.

Yếu tố thứ hai là triết lý kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Khi làm việc với các tập đoàn lớn trên toàn cầu, nếu không có triết lý đạo đức kinh doanh, thì không thể hợp tác với nhau lâu dài được. Với SASAKI, luôn theo triết lý “đi trước sự mong đợi của khách hàng”.

Bởi vậy, trong tất cả các khâu từ sản xuất cho tới dịch vụ, SASAKI phải đi trước sự kỳ vọng của khách hàng. Theo đó, khách hàng hợp tác với mình, thì họ phải có lợi, sản phẩm làm ra, không chỉ có chất lượng tốt, mà phải tiện ích, an toàn cho người sử dụng. Đây là điều rất quan trọng làm nên thương hiệu, tạo uy tín đối với khách hàng của Hanel PT nói chung và thương hiệu máy sấy lạnh SASAKI nói riêng.

Yếu tố thứ ba là văn hóa DN. Văn hóa Hanel PT được thể hiện thông qua chính sách, tầm nhìn và thói quen “ngấm” vào mỗi cán bộ, công nhân viên.

Trong quá trình kinh doanh, tôi đã may mắn học hỏi được nhiều từ các đối tác và DN Nhật Bản. Hơn 22 năm, đúc kết lại một trong những điều quan trọng mình học được từ người Nhật chính là sự tử tế và phát triển xanh cho DN, cũng chính là xuất phát từ tư duy này.

Để phát triển kinh tế xanh, mọi mục tiêu của Hanel PT đều được đo bằng chỉ số, hành động. Chúng tôi đưa ra chiến lược cụ thể; đào tạo tư chất cho cán bộ, người lao động và đo sự hài lòng của mỗi người trong công việc. Đối với máy móc, dịch vụ, phải kiểm tra xem có đạt yêu cầu không, gây hại cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào; sản phẩm xuất khẩu cần đạt tiêu chuẩn gì; mỗi sản phẩm, dịch vụ sau khi xuất hiện trên thị trường đều được đánh giá lại các chỉ số để xem có đạt hay không…

Lãnh đạo nhiều DN – họ có bí quyết hay cách điều hành riêng để đưa công ty đi lên. Với tôi, bí quyết lãnh đạo chỉ có 2 chữ “cách sống”!

Tôi luôn xem cán bộ, nhân viên là đối tác, cộng sự và trân quý mọi mối quan hệ được gặp gỡ trong đời. Luôn phải sống hết lòng, bằng cả trái tim với người tôi đã và sẽ gặp, sẽ làm việc cùng. Tôi luôn biết ơn những người đã đồng hành với mình và nếu hỗ trợ được bất kỳ ai điều gì, thì mình cũng sẽ hết lòng.

Ngày 29/12/2021, chị được trao Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Bông hồng Vàng”. Chị có thể chia sẻ với bạn đọc, cũng như các DN khác về kinh nghiệm, giải pháp để đưa công ty vượt qua những thử thách, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành?

Năm 2020 – 2021, các DN nói chung và Hanel PT nói riêng gặp vô vàn khó khăn. Với việc đứt gãy nguồn cung, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, vận chuyển logistis gặp khó…, phải nói rằng, đây là lần thứ 3 Hanel PT vượt qua thử thách.

Nữ doanh nhân Trần Thị Thu Trang tại Lễ trao Giải “Cúp bông hồng Vàng 2021”
Nữ doanh nhân Trần Thị Thu Trang tại Lễ trao Giải “Cúp bông hồng Vàng 2021”.

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, thời gian đầu, tôi cũng không nghĩ nó sẽ kéo dài. Nhưng, với sự thích ứng nhanh, cách quản lý tài chính linh hoạt, sự đoàn kết nội bộ - đã giúp công ty đứng vững và phát triển.

Với Hanel PT, điều đầu tiên khi đứng trước khó khăn chính là phải bình tĩnh. Nhờ sự bình tĩnh, công ty đã linh hoạt, thích ứng nhanh trong hoạt động sản xuất, từ đó chuyển hướng sang sản xuất chíp cho các dòng ống thở, chíp cho máy móc trong y tế…, vừa thực sự hữu ích và thực tế trong bối cảnh ngành y cùng toàn dân đang phải gồng mình chống dịch. Ngoài ra, công ty còn tập trung khai thác phát triển mạnh mảng bảng mạch, bán cho các tập đoàn lớn trên thế giới.

Tôi rất tâm đắc bởi câu: “Trong loạn lạc, sẽ sinh anh hùng”! Trong hoàn cảnh bình thường, để phát triển nhanh và thành công, thì cực kỳ khó. Nhưng khi khó khăn, khủng hoảng tới, nếu bình tĩnh và có sự thích ứng nhanh - tìm ra được hướng đi phù hợp, thì chắc chắn sẽ còn phát triển vượt bậc.

Bên cạnh đó, phải làm sao, duy trì dòng tài chính linh hoạt. Bất kể DN nào, trong điều kiện khó khăn hay bình thường, đều phải tính toán xem dòng tài chính của mình có ổn định hay không, công ty sẽ duy trì được bao nhiêu năm nếu khủng khoảng xảy ra?...

Phải duy trì được dòng tài chính, thì mình mới theo đuổi được các hoạt động của thế giới. Trong 2 năm qua, Hanel PT đã cử nhiều cán bộ, nhân viên đi học (học online liên kết nước ngoài) để nâng cao kiến thức, nâng cao hệ thống tiêu chuẩn và bắt kịp xu thế trên thế giới. Chính vì vậy, khi dịch bệnh lắng xuống, cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường mới, thì công ty lại có nhiều đơn hàng mới.

Mặt khác, đoàn kết nội bộ, coi đại dịch Covid-19 là thời khắc vàng để tăng cường tinh thần đoàn kết hơn nữa trong nội bộ công ty. Tôi rất tự hào, trong lúc khó khăn, Hanel PT không hề cắt giảm một đồng lương nào của cán bộ, nhân viên, cũng như không cắt giảm nhân sự. Với tôi, dù chỉ còn đồng tiền cuối cùng, cũng phải cố gắng giữ lại nhân sự. Có lẽ, vì điều này mà hết thảy cán bộ, công nhân viên rất yên tâm cống hiến và tin tưởng vào đội ngũ Ban lãnh đạo Công ty.

Chị có thể “bật mí”: Chặng đường thành công Hanel PT đang đi, gắn liền với những triết lý kinh doanh gì?

Với triết lý kinh doanh “ngũ phương hưởng lợi” - Đó là: Lợi ích cho khách hàng, cho nhân viên, cho môi trường, cho đất nước và cuối cùng dành cho DN, vì vậy, trong mọi hoạt động, công ty đều thực hiện với tinh thần phụng sự, vì xã hội, đất nước và coi trọng phát triển bền vững.

Sau hơn 22 năm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm linh kiện điện tử, Hanel PT được các tập đoàn toàn cầu lựa chọn là đối tác và tham gia vào chuỗi cung ứng. Hệ thống quy trình, quản trị vận hành chất lượng sản phẩm, cũng như mọi mặt của nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO9001, ISO14001, IATF16949, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của máy thiết bị.

Triết lý “ngũ phương hưởng lợi” - cũng là lý do Hanel PT không bằng lòng với việc chỉ sản xuất linh kiện điện tử, mà đã mở rộng sang chế tạo máy sấy lạnh thông minh SASAKI.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu thô còn nhiều, do đó, chúng ta cần nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu nông sản thông qua áp dụng công nghệ chế biến mới mang tính quyết định, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản để tránh bị ép giá khi vào vụ mùa thu hoạch.

Sự ra đời của máy sấy lạnh SASAKI - đã phần nào giúp giải quyết bài toán chế biến cho nông sản Việt Nam. Thời điểm 2020 - 2021, mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhưng máy sấy lạnh SASAKI được thị trường nhiệt tình đón nhận, bởi sản phẩm sản xuất theo công nghệ Nhật Bản với chất lượng vượt trội, có những tính năng khác biệt “nguyên màu - nguyên mùi - nguyên vị”, trong khi chi phí lại vô cùng hợp lý!

Bên cạnh đó, còn có triết lý “5 niềm vui”: “Người mua hàng vui, người bán hàng vui, nhà cung cấp vui, khách hàng dùng cuối vui và người SASAKI vui”!

Công nhân trong phân xưởng
Công nhân trong phân xưởng.

Ngoài ra, văn hóa DN cũng đóng vai trò quan trọng. Theo tôi, văn hóa DN như khí huyết lưu thông trong cơ thể con người. Văn hóa toát ra từ tâm thế của DN, tạo ra khí thế đầy hân hoan, hạnh phúc khi được làm việc cùng nhau, cho một mục tiêu đầy ý nghĩa.

Tại Hanel PT, văn hóa DN gói gọn trong 1 câu: Chuyên nghiệp trong công việc và lành mạnh trong lối sống!

Nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, chị có điều gì muốn gửi gắm tới các DN, cũng như Tạp chí Thương hiệu & Công luận?

Nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, tôi xin chúc toàn thể DN Việt không ngừng phát triển, luôn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế và thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất trong việc nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước phát triển.

Chúc lãnh đạo, Ban Biên tập, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Thương hiệu & Công luận sức khỏe, ngày càng có nhiều bài viết hay hơn nữa về DN, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt!

Trân trọng cảm ơn nữ doanh nhân Trần Thị Thu Trang!

Bùi Quyền(Thực hiện)