Cùng dự cuộc gặp mặt tại điểm cầu trụ sở Chính phủ vào tối 07/03, có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo một số hiệp hội, doanh nghiệp.
Gần 1.000 nữ doanh nhân tham dự cuộc gặp mặt được truyền trực tuyến tới các điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố.
Sau 7 năm thành lập, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Số lượng hội viên tăng 400%, tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 lên 21% năm 2011 và đến nay đạt tỉ lệ 25% (cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân). Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện Châu Á duy nhất có mặt trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu về tỉ lệ này.
Các đại biểu khẳng định, chính sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước với những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp và sự nỗ lực vượt bậc của chính đội ngũ nữ doanh nhân đã góp phần tạo nên sự thành công và những kết quả nổi bật của các nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta trân trọng và đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần phấn đấu vươn lên của các nữ doanh nhân, vượt qua nhiều khó khăn, rào cản và cả những định kiến xã hội để gặt hái được những kết quả, thành công, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đạt được trong gần 8 năm hoạt động.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể tập trung khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đội ngũ nữ doanh nhân phát triển.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nữ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, các cấp, các ngành về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị Hiệp hội đẩy mạnh vai trò tạo cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước; hỗ trợ tăng cường trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo…
Theo Thủ tướng, giải phóng phụ nữ cũng là giải phóng xã hội, giải phóng nguồn lực. So với các đồng nghiệp nam, các nữ doanh nhân có những thiệt thòi nhưng cũng có những thế mạnh riêng như sự mềm dẻo, uyển chuyển, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ, hiền hòa và đức tính hy sinh cao cả, cần được phát huy hơn nữa trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, với những xu thế mới như phát triển bền vững, toàn diện, bao trùm, nhân văn, xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số..., các nữ doanh nhân Việt Nam có cơ hội ngày càng lớn để đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, cho cộng đồng, đất nước và thế giới, trên con đường hướng tới văn minh, thịnh vượng, hòa bình, hợp tác và phát triển.
C.H (t/h)