Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã có văn bản yêu cầu Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ do chưa đảm bảo các yêu cầu về sao lưu dữ liệu theo quy định.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 28/11/2018, đoàn kiểm tra của Tổng cục thực hiện kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT do Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý và khai thác.
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trước nguy cơ bị dừng thu phí
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục đã có thông báo yêu cầu Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí nhưng đến ngày ngày 13/5/2019, Cục Quản lý Đường bộ I (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu.
Việc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ 'chây ì' không chịu thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định khiến Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu đơn vị này dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019. Việc dừng thu phỉ chỉ được xem xét chấm dứt khi doanh nghiệp của thu phí này thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, đơn vị sẽ kiểm tra công tác thực hiện của nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư đã thực hiện sao lưu theo quy định sẽ không dừng thu phí, nếu không thực hiện trước 10/6 sẽ dừng thu phí theo quy định.
Dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 6.269 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 nâng cấp, cải tạo yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, hệ thống an toàn giao thông, dải phân cách từ đường cũ gồm 4 làn xe lên tiêu chuẩn đường cao tốc. Giai đoạn 1 của Dự án đã được nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác, thu phí từ tháng 10/2015. Giai đoạn 2, Dự án có mục tiêu mở rộng hoàn chỉnh thành đường cao tốc 6 làn xe và xây dựng hệ thống đường gom hai bên song hành quy mô đường cấp 6 đồng bằng.
Cổ đông lớn nhất tại dự án này là Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát nắm 65% vốn điều lệ; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành sở hữu 17%, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) sở hữu 18% vốn điều lệ.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng, các đơn vị đầu tư đã không tin tưởng nhau và cho rằng có thất thoát thu phí tại dự án. Sau đó, Cienco 1 đã cho người lắp camera đếm phương tiện lưu thông trên tuyến, tuy nhiên, đã bị Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đơn vị quản lý) ngăn cản.
Hằng Vương