Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa thống nhất đề xuất Bộ GTVT giảm 25% mức phí qua trạm từ ngày 15/10
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có chiều dài khoảng 29 km, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 gần 2.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 là hơn 4.700 tỷ đồng.
Hiện tại, mức biểu phí đối với một xe dưới 12 chỗ ngồi (xe nhỏ nhất) chạy toàn tuyến có mức phí 45.000 đồng/lượt; xe tải có trọng tải 18 tấn trở lên, xe container 40 feet có mức phí 175.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận hàng loạt sai phạm tại Dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 như chỉ sửa chữa, cải tạo, nhưng giá phí thu tương đương với đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km).
Việc phê duyệt và triển khai dự án, đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc nghiêm trọng. Đến nay, dự án buộc phải thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm Đại Xuyên.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (nhà đầu tư tuyến BOT) cũng cho rằng, việc giảm phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp và người tham gia giao thông.
Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đàm phán và đi đến thống nhất về việc giảm phí. Các đơn vị đã thống nhất giảm 25% mức phí so với mức phí hiện tại, đối tượng áp dụng là tất cả các phương tiện lưu thông trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Với mức giảm này, xe dưới 9 chỗ đi hết tuyến dài 28 km được giảm từ 45.000 đồng/lượt còn 35.000 đồng/lượt. Nhà đầu tư sẽ chủ động chuẩn bị các thủ tục về thu phí để mức giảm giá được thực hiện đúng thời điểm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ làm việc với Bộ GTVT, đề xuất với Bộ GTVT thống nhất phương án giảm phí này. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT giao các cơ quan chuyên môn của Bộ điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cho phù hợp.
Được biết, thời gian thu phí của tuyến này dự kiến từ 11 - 12 năm, tuy nhiên với lưu lượng xe tăng lên, mức phí giảm xuống thì thời gian thu phí dự kiến kéo dài khoảng 17 năm. Năm 2021, tuyến đường này tăng phí trở lại với mức 18%, lộ trình sau đó sẽ 3 năm tăng phí 1 lần.
H.M