Toàn cảnh hội nghị
BR-VT hiện có 73/82 xã, phường thị trấn và 03/10 khu dân cư của huyện Côn Đảo được đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hoá Thể thao – Trung tâm Học tập cộng đồng (TTVH, TT-HTCĐ). Hiện còn 09 địa phương chưa có trụ sở TTVH, TT-HTCĐ, phải hoạt động ghép với các ban khác.
Nhìn chung hoạt động của các TTVH, TT-HTCĐ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua còn rất hạn chế. Một phần do cán bộ quản lý trung tâm chủ yếu kiêm nhiệm, không có bằng cấp chuyên môn, do thu nhập rất thấp, lại không có thêm phụ cấp, nên rất khó tuyển dụng.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nghị, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn nâng cao hoạt động của các TTVH, TT-HTCĐ phải hình thành các phong trào cụ thể, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của người dân; rà soát phương pháp nâng cao hoạt động các bộ môn, tạo các sân chơi, chọn người khởi xướng các mô hình hoạt động. Ngoài ra, phải thực hiện các hoạt động bằng hình thức xã hội hoá, tạo nguồn thu, đẩy mạnh các hoạt động đa ngành trên cơ sở nâng cao trình độ của cán bộ quản lý”.
Ông Nguyễn Hữu Nghị, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận
Ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm văn hoá nghệ thuật tỉnh cũng cho rằng: “Sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, chế độ chính sách cho cán bộ làm văn hoá là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động”. Ông Phạm Diêm đề xuất 05 nhóm giải pháp: quy hoạch và tổ chức quản lý; chính sách phù hợp thu hút nhân tài; bồi dưỡng đào tạo lại cán bộ; xúc tiến khảo sát nhu cầu văn hoá của người dân; nâng cao hoạt động văn hoá cơ sở, khuyến khích xã hội hoá”.
Ông Trịnh Đăng Khoa, phụ trách quản lý văn hoá-nghệ thuật Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM cho rằng; “Quản lý các TTVH, TT HTCĐ theo mô hình công lập hành chính công hay phải đổi mới theo cơ chế dịch vụ công, áp dụng mô hình tuỳ từng địa bàn phù hợp, chú trọng tập huấn các mô hình theo từng địa phương có thế mạnh dựa trên yếu tố mang tính khoa học”.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh cho rằng: “Sở Nội vụ đang phối hợp với các ngành trình HĐND tỉnh hỗ trợ tiền ăn và tiền xăng 50.000đ/ngày cho cán bộ ở TTVH, TT-HTCĐ, cộng thêm vào mức lương từ 1.6 đến 1.85 mức lương cơ sở cho cán bộ làm văn hoá, từ đó thu hút người trình độ chuyên môn, phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả. Tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ hơn, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí nhà nước cấp”.
Để phát huy thế mạnh thiết chế văn hoá cơ sở, ông Lương Đức Đích, Phó Ban Văn hoá Xã hội- HĐND tỉnh cho rằng: “Trên địa bàn tỉnh BR-VT, mô hình hoạt động của TTVH, TT-HTCĐ có nhiều thế mạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban VHXH, chỉ có 20% trung tâm hoạt động có hiêu quả. Nguyên nhân là do sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp cơ sở chưa triệt để, chưa xác định mô hình hoạt động phù hợp theo địa bàn; mạng lưới cộng tác viên thiếu và yếu”.
Tại hội nghị, các đại biểu còn đóng góp ý kiến về các nội dung như: Cần có sự thay đổi cơ chế hoạt động, tìm giải pháp nâng cao thu nhập, trên cơ sở điều chỉnh các chế độ chính sách, xây dựng các chương trình văn hoá thiết thực, duy trì các hoạt động, các câu lạc bộ, đội nhóm theo sở thích, thu hút tham gia vào hoạt động chung của trung tâm; nâng cao công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phát hiện hạn chế mặt tồn tại, nâng cao mặt mạnh, từng bước tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Để hoạt động của các trung tâm đi vào nề nếp, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo: “Tỉnh đã đầu tư đồng bộ TTVH, TT-HTCĐ ở các địa phương thì chính quyền cơ sở phải tìm các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Là một thiết chế văn hoá cơ sở, phải nâng cao trách nhiệm của các ban ngành ở cơ sở, khai thác công năng của thiết bị đã đầu tư, thu hút sự hưởng thụ văn hoá của người dân. Ngành văn hoá, cấp cơ sở cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm hoàn chỉnh dự thảo Quyết định hoạt động của TTVH, TT-HTCĐ cấp xã trình UBND tỉnh phê duyệt; rà soát lại mô hình hoạt động; nâng cao trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị từ cấp cơ sở, xác định nhiệm vụ của các đoàn thể chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, phường. Ngoài ra, ngành văn hoá, thể thao cần chủ động phối hợp với các đơn vị có chức năng khác mang văn hoá về cơ sở, phổ biến kiến thức văn hoá, xã hội, đẩy mạnh phong trào văn thể mỹ; xây dựng mô hình có hiệu quả và nhân rộng mô hình, không ngừng bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ người làm công tác văn hoá”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại hội nghị
Ninh Văn Hồng