Tham dự có ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng gần 200 đại biểu đại diện các sở, ban ngành, các tổ chức hiệp hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch covid 19, Ngân hàng nhà nước triển khai các giải pháp thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp cụ thể là việc ban hành Thông tư 01, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch covid 19; chưa đầy 2 tháng NHNN điều chỉnh giảm 2 lần mức lãi suất điều hành. Các tổ chức tín dụng đều tham gia đầy trách nhiệm, không chỉ giảm mặt bằng lãi suất mà còn sử dụng nguồn lực tài chính của mình thực hiện giải pháp chia sẻ khó khăn với khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 01 và các giải pháp của NHNN trong thời gian qua, đồng thời lắng nghe khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cùng nhau tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách, song vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết: Sau gần 3 tháng ban hành thực hiện Thông tư 01, NHNN triển khai cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khoảng 151 nghìn tỷ cho 223 nghìn khách hàng; hạ lãi suất với dư nợ hiện tại và cho vay mới với tổng mức dư nợ 1 triệu 140 nghìn tỉ đồng…
Tính riêng tại tỉnh BR-VT, các chi nhành tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 222 khách hàng, với tổng dư nợ là 867 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ 180 khách hàng, với dư nợ hơn 3 ngàn tỷ đồng; cho hơn 2 ngàn khách hàng vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2%, với doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay lên gần 7 ngàn tỷ đồng.
Nhiều ý kiến của các tổ chức hiệp hội, lãnh đạo các doanh nghiệp nêu lên tại hội nghị đều bảy tỏ khó khăn, thậm chí ngưng trệ trong sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực du lịch; lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu; sản xuất hàng may mặc… Các chính sách của ngân hàng nhà nước và việc thực thi của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã kịp thời, như “liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp khôi phục, duy trì sản xuất sau đại dịch. Tuy nhiên có ý kiến doanh nghiệp cho rằng ngoài hỗ trợ về vốn cần đồng bộ với các chính sách khác như thuế, giảm phí công đoàn, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về đất đai để doanh nghiệp có cở sở vay vốn phát triển sản xuất...
Thanh Huyền