BR-VT: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn - Hình 1

Đây là dịp tỉnh BR-VT đánh giá kết quả thực hiện 10 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm vụ về nông nghiệp nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh, những việc làm được, chưa làm được, khó khăn, tồn tại và bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra mục tiêu và giải pháp trong thời gian tới.

 Thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành 237 văn bản thể chế hóa Nghị quyết 26-NQ/TW để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

BR-VT: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn - Hình 2

Cụ thể Tỉnh ủy BR-VT ban hành chương trình hành động 24-CT/TU, ngày 21/10/2009 về thực hiện Nghị quyết 26. Nghị quyết về phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; Đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025…

Theo đó, tỉnh BR-VT đã triển khai công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương; xây dựng và triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thể hiện rõ nhất là cơ cấu cây trồng của địa phương chuyển dịch mạnh từ cây hàng năm sang cây lâu năm. Tỷ trọng các loại cây rau thực phẩm, hoa, cây cảnh tăng nhanh. Hình thành các vùng tập trung hồ tiêu ở huyện Châu Đức và Xuyên Mộc; vùng sản xuất bưởi da xanh ở xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ; vùng sản xuất nhãn xuống cơm vàng tại huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ… Giá trị sản xuất trên 1 ha đạt 99,37 triệu đồng năm 2016, tăng 47,14 triệu đồng so với năm 2010.

Hình thức chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao cũng phát triển tăng số lượng trang trại cũng như quy mô đàn vật nuôi.

Tăng trưởng nông nghiệp bình quân của tỉnh giai đoạn 2008-2017 đạt 4,4%; trong đó trổng trọt tăng 3,4%, chăn nuôi tăng 6%.

Đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh về công nghiệp 74,35%, dịch vụ 13,87%, nông nghiệp 6,45%. Nếu trừ dầu khí cơ cấu công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp lần lượt là  (57,94%-30,67%-11,39%)

Trong 8 năm (2010-2017), tổng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh là gần 21 ngàn tỉ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2016 là 39,6 triệu đồng/người/năm, tăng 3,42 lần so với năm 2008.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh có 20/45 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,85%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia tại các xã nông thôn đạt 73,2% (năm 2008 là 38%).

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia từ 5,31% năm 2008 giảm xuống còn 0,99% vào cuối năm 2017.

BR-VT: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn - Hình 3

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT khẳng định: “Mặc dù tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực song còn chậm hơn so với một số địa phương lân cận. Ông cũng đề cập các nguyên nhân chủ quan, khách quan, chính sách ban hành đã phù hợp với người dân cũng như việc khơi dậy nguồn lực trong dân.  Người đứng đầu tỉnh cũng đề nghị từng xã, huyện, Ban chỉ đạo của tỉnh tiếp tục rà soát 15 thông số (trong đó có quy hoạch, huy động nguồn lực, hạ tầng, thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, môi trường sống, an ninh nông thôn, mô hình liên kết 4 nhà, yếu tố phát triển bền vững và giá trị kinh tế/1 ha nông nghiệp). Bí thư tỉnh ủy BR-VT cũng nhấn mạnh tỉnh tiếp tục phát huy vai trò 6 nhân tố: Vai trò lãnh đạo của Đảng; chính quyền; các đoàn thể; các thành phần kinh tế; Văn phòng điều phối các cấp và vai trò của người dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Thanh Huyền