"Bùng nổ" tài khoản

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhà đầu tư mở mới 221.314 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng qua. Đây là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng số tài khoản chứng khoán mở mới tháng vừa qua gần bằng tổng tài khoản của hai tháng trước đó.

 Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, con số trên nhiều hơn những gì đạt được trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản). Lũy kế đến ngày 30/11/2021, Việt Nam có 4.083.325 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020.

Tính riêng tháng 11, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới nhiều nhất với 220.602 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên hơn 4 triệu. Không riêng các cá nhân, tổ chức trong nước cũng ghi nhận kỷ lục mở mới 215 tài khoản tháng vừa qua.

Về phần khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân mở mới 473 tài khoản, cao nhất kể từ tháng 05/2021. Các tổ chức nước ngoài mở 24 tài khoản mới trong tháng 11.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 04 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 04 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Theo các chuyên gia, động thái mở tài khoản chứng khoán ồ ạt diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức thấp, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại, nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, chứng khoán Việt Nam được đánh giá là rất có triển vọng nâng hạng trong 2 năm tới và việc áp dụng định danh điện tử (eKYC) giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn. Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thanh khoản thị trường duy trì mức cao.

Có kịch bản mới cho chứng khoán?

Theo số liệu từ FiinGroup, 09 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng giao dịch của cá nhân trong nước chiếm hơn 80% toàn thị trường. Sự bùng nổ thanh khoản có yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền cho vay ký quỹ (margin), trong đó, nhà đầu tư cá nhân được cho là đối tượng ưa thích dùng margin trong đầu tư. Các Công ty Chứng khoán (CTCK) cũng ồ ạt tăng vốn để có thể tăng cho vay margin, trong bối cảnh dư địa cho vay còn lại của một số công ty đã khá hạn hẹp.

Cụ thể, 30 CTCK có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021 thông qua các hình thức như cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ… với tổng số vốn thêm khoảng 24.339 tỷ đồng. Tháng 10/2021, hai CTCK là SSI và Mirae Asset đã hoàn tất tăng vốn. Mức vốn điều lệ tăng lên ở cả hai công ty là trên 1.130 tỷ đồng và đều từ nguồn tiền mới của cổ đông hiện hữu.

Thống kê báo cáo tài chính quý III/2021 của hơn 70 CTCK cho thấy, tính đến 30/09/2021, tổng dư nợ đạt trên 154.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2020.

Theo tính toán của YSVN, quý III/2021, tỷ lệ margin/vốn hóa đạt mức 2.75%, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Mức tăng trưởng margin cao vượt trội so với mức tăng trưởng của thị trường phản ánh rủi ro trong sử dụng đòn bẩy tài chính gia tăng trên thị trường. Tuy nhiên, hết quý III, tại các CTCK có tới 92.000 tỷ đồng - số dư tiền gửi của nhà đầu tư “nằm chờ” giải ngân.

Nhóm phân tích của YSVN cho rằng, việc mở cửa nền kinh tế đang là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong tháng 11/2021. Thông tin về gói kích cầu sẽ giúp khôi phục nền kinh tế, khơi thông dòng vốn và kích thích tiêu dùng sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn cho thấy, thị trường cổ phiếu vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong ngắn và trung hạn.

Ở kịch bản tích cực, YSVN cho rằng, VN-Index sẽ hướng thẳng về mức 1.534 điểm trong tháng 11, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, nhỏ vẫn thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, dòng tiền có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhờ vào sức hồi phục trong quý IV/2021, khi nền kinh tế dần hoạt động trở lại.

Lê Pháp