Lợi nhuận trăm tỷ đồng nhưng thương hiệu VietABank có hơn 875 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5
Dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất qúy I/2024 cho thấy, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank, mã chứng khoán VAB) có mức thu nhập lãi thuần đạt 539 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 23,3 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ, chi phí hoạt động dịch vụ trong kỳ tăng so với qúy I/2023.
Ba tháng đầu năm 2024, VietABank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 19,4% lên mức 14,7 tỷ đồng; Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh lên mức 9,7 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ âm 644 triệu đồng; Mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 17 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong kỳ, nhà băng ghi nhận 61,5 tỷ đồng thu nhập từ hoạt động khác, trong khi cùng kỳ một năm trước chỉ số này là 21 tỷ đồng, tăng 192%. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần trong quý I không thấy ghi nhận trong khi cùng kỳ năm trước đạt 5,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, VietABank trích lập Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên tới 454% so với cùng kỳ năm trước (từ 30 tỷ đồng quý I/2023 lên 167 tỷ đồng quý I/2024). Kết quả, VietABank báo lãi sau thuế gần 203 tỷ đồng, giảm gần 8% so với quý I/2023.
Thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản thương hiệu VietABank có 105.986 tỷ đồng, giảm 6.209 tỷ đồng – tương đương giảm 5,5% so với hồi đầu năm 2024. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 70.521 tỷ đồng, tăng 3,2% so với thời điểm đầu năm. Tiền gửi của khách hàng lên mức 88.080 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 1.386 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Tổng nợ phải trả của thương hiệu VietABank tại ngày 31/3/2024 ghi nhận 97.791 tỷ đồng, giảm 6,1% so với hồi đầu năm. Như vậy, số nợ phải trả của VietABank đã chiếm tới 92,2% so với tổng tài sản.
Điều lo ngại là chất lượng nợ vay của VietABank có chiều hướng ‘đi lùi’ khi tổng nợ khó thanh khoản (nợ xấu) tại thời điểm 31/3/2024 đạt 1.678 tỷ đồng, tăng thêm 578,6 tỷ đồng – tương đương tăng 52,6% so với thời điểm đầu năm 2024.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng thêm 204,9 tỷ đồng lên mức 779,4 tỷ đồng – tương đương tăng 35,6%. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đạt 24,1 tỷ đồng, tăng 10,4%. Đáng chú ý, hơn 52% nợ xấu của thương hiệu VietABank là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), chiếm 875 tỷ đồng so với tổng dư nợ. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VietABank tăng từ 1,59% hồi đầu năm lên mức 2,35% tại thời điểm 31/3/2024.
Nhìn lại giai đoạn từ 2020 đến qúy I/2024, nợ xấu của VietABank tăng từ mức 957 tỷ đồng lên 1.679 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong các nhóm nợ, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có chiều hướng tăng liên tiếp từ mức 456 tỷ đồng (năm 2020) lên 912,6 tỷ đồng (năm 2022) và giữ mức 875 tỷ đồng tại thời điểm qúy I/2024.
Hạng mục “tài sản có khác” của thương hiệu VietABank ghi nhận 11.200 tỷ đồng, trong đó “các khoản lãi, phí phải thu” (lãi dự thu) ở mức 8.237 tỷ đồng, tăng hơn 309 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm 2024.
Báo cáo "Nhìn lại 2022 và triển vọng thị trường vốn 2023" của FiinRatings nhận định: Tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh tại một số ngân hàng, đồng thời chất lượng các khoản lãi và phí phải thu đáng báo động ở nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp. “Trung bình, các ngân hàng có vòng quay khoản lãi và phí phải thu khoảng 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, một số ngân hàng có các khoản lãi và phí phải thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản, trong khi vòng quay lại rất dài (lên tới hơn 250 ngày) trong suốt nhiều năm liền. Đây là dấu hiệu cho thấy các khoản phải thu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi, và các số liệu kế toán chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản của ngân hàng”, theo số liệu phân tích của FiinRatings.
Theo báo cáo dư nợ cho vay theo ngành, cuối quý I/2024, VietABank đang cho vay vào hoạt động thương mại, sản xuất và chế biến đạt mức 20.845 tỷ đồng chiếm 29% dư nợ cho vay; Cá nhân và các ngành nghề khác đạt 34.525 tỷ đồng chiếm 48,3% dư nợ cho vay của ngân hàng này.
Dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, tại thời điểm 31/3/2024, dòng tiền kinh doanh của VietABank đang âm 7.727,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm 14.977 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023 (BCTC đã Kiểm toán), dòng tiền kinh doanh của thương hiệu VietABank cũng âm 1.879 tỷ đồng và năm 2022 âm 2.330 tỷ đồng. Như vậy, từ 2022 đến nay dòng tiền kinh doanh của VietABank luôn trong trạng thái âm.
Dòng tiền đầu tư của VietABank âm 9,5 tỷ đồng do nhà băng tiêu tốn vào mua sắm tài sản cố định.Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong năm của VietABank ở mức âm 7.737 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm 14.977 tỷ đồng. Cuối kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền của VietABank ở mức 21.244 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2022 đến hết quý I/2023, lưu chuyển tiền thuần trong năm của VietABank liên tiếp âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của VietABank âm 2.359 tỷ đồng và âm 1.866 tỷ đồng năm 2023. Tại thời điểm 31/3/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng âm 7.737 tỷ đồng.
Thông thường, khi nhìn nhận kết quả kinh doanh của một doan nghiệp, nhiều nhà đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm tới yếu tố doanh thu, lợi nhuận và thường bỏ qua yếu tố dòng tiền. Trong khi trên thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mới là điểm mấu chốt để có thể đánh giá chính xác và toàn diện về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Theo nhận định của một số chuyên gia, trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính, như vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, thanh lý tài sản…
Thương hiệu VietABank thuộc Ngân hàng TMCP Việt Á, được thành lập vào tháng 7/2003, có trụ sở chính tại Toà nhà Samsora Premier, số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội do ông Phương Thành Long làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Văn Trọng giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tháng 4/2023 của VietABank, đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm sát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028. Danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới ngoài ông Phương Thành Long (Chủ tịch) còn có 4 thành viên khác là các ông Phan Văn Tới, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Hải, và Lê Hồng Phương (ông Phương là nhân sự mới tham gia HĐQT). Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ mới không còn sự tham gia của ông Phương Hữu Việt và ông Nguyễn Văn Trọng (Quyền TGĐ VietABank).
Ông Phương Hữu Việt (SN 1964) là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group), đồng thời là cổ đông lớn tại VietABank. Ông tham gia HĐQT VietABank từ năm 2011 và giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ đó đến năm 2021. Sau khi ông Phương Hữu Việt rời ghế Chủ tịch Ngân hàng VietABank, cháu ruột ông Việt là ông Phương Thành Long (SN 1983) được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhà băng từ đó đến nay.
Theo giới thiệu trên https://vpg.vn/ của Việt Phương Group có địa chỉ trùng với trụ sở chính của ngân hàng VietABank thì, Việt Phương Group (VPG) vẫn là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank (VAB).
Vừa qua, ngân hàng VietABank đã chính thức ra quyết định miễn nhiệm với Phó Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn kể từ ngày 20/03. Quyết định thay đổi nhân sự của VietABank diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Minh An