Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 1

 Cá lồng huyện Thanh Thủy chết trắng hàng loạt

Mất ăn, mất ngủ

Ông Thiều Minh Thế (Khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy) cho biết: Trong ngày 18 và 19/7, thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, nước sông Đà bắt đầu chảy mạnh và chuyển dần từ màu xanh trong sang đục đỏ từ ngày 18/7.

Ngày đầu tiên, các lồng cá chưa có hiện tượng gì. Từ sáng ngày 20/7, các loại cá bắt đầu có hiện tượng bổ nhào, lao như mất phương hướng, há miệng thở và chết. Cá chết, chủ yếu là lăng, chiên, ngạnh, diêu hồng, trắm đen...  Trong đó, cá lăng giống, cá ngạnh bị chết nhiều nhất.

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 2

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 3

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 4

Từ sáng ngày 20/7, cá lồng trên sông Đà có hiện tượng chết nhiều

Ông Dương Tiến Dũng (Khu 5, xã Xuân Lộc) ngậm ngùi: “Gia đình tôi ảnh hưởng nặng nhất là 2 lồng cá lăng giống, khoảng 8.000 con (nặng từ 2-3 lạng/con) chết sạch; cá ngạnh chết khoảng 1.000 con; cá chiên, diêu hồng chết lác đác…

Ông Đặng Văn Luyện (Khu 5 xã Xuân Lộc) xót xa: “Gia đình tôi mất ăn mất ngủ, vì toàn bộ 20 lồng cá đang nuôi bị ảnh hưởng lớn do việc xả đáy. Trong đó, có 7 lồng cá chết trắng hàng loạt”.

Ông Nguyễn Đạo Luật Chí (Khu 4, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy) lên tiếng: Sáng sớm 21/7, 25 lồng cá lăng của gia đình có hiện tượng chết. Từ hôm qua, rất nhiều hộ nuôi cá lồng trong xã bị chết, lồng cá to thì 4-5 tấn; lồngcá nhỏ cũng hơn 1 tấn, nhiều lồng cá chết hàng loạt chưa kịp nổi lên mặt nước nhưng khi kéo lên, cá chết  rõ mồn một. Người dân đang rất lo lắng về việc này!

Nợ nần chồng chất?

Tại xã Xuân Lộc, có 13 hộ nuôi cá lồng với tổng số 130 lồng cá lăng, diêu hồng, rô phi bị ảnh hưởng nặng. Cá chết nổi trắng, được các hộ nuôi cá vớt lên cho người dân mang về nấu cho lợn ăn; nhiều người vớt cá đầy bao tải mang đi chôn lấp.

Nhiều lồng cá bị chết sạch, thiệt hại chưa thống kê chi tiết bởi hiện nay nước vẫn đang lên nhanh, tình trạng cá chết vẫn đang tiếp tục.

Ông Luyện vừa vớt cá, mắt đượm buồn: “Tất cả nguồn tài chính của gia đình được đầu tư vào 20 lồng cá. Để có kinh phí đầu tư nuôi cá, gia đình phải vay ngân hàng nông nghiệp hơn 300 triệu đồng mua cá giống từ đầu năm; đến hiện tại tiền cám cho cá nợ đến hơn 1 tỷ đồng.

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 5

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 6

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 7

Nhiều lồng, cá chết sạch

Cả gia đình đang chông chờ vào mẻ cá thu hoạch bắt đầu từ cuối năm nay, rộ vào tháng 2-4 năm sau, để có tiền trang trải các khoản vay, tiền thức ăn cho cá và có khoản để tái sản xuất lứa cá mới. Đến giờ, thiệt hại kinh tế do cá lồng bị chết, gia đình chưa có thời gian thống kê, cá vẫn cứ chết! Cả hy vọng dồn vào lồng cá lăng vàng, đến nay cũng chết hết…”.

Nhìn những lồng cá chết dần, ông Luyện nói: “Chỉ hy vọng, cá không bị ảnh hưởng chết tiếp. Để có tiền trả nợ, tái sản xuất, trước mắt chúng tôi phải tiếp tục vay tiền. Lần này, ngân hàng, chủ bán cám có thể sẽ không hỗ trợ tiếp, nhưng dẫu sao vẫn phải sản xuất nên gia đình tôi sẽ huy động từ nguồn vay của tất cả người thân, chấp nhận vay lãi cao”.

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 8

Các hộ dân đang tích cực tăng cường máy xục khí tại các lồng bè nhằm tạo ô xy cho cá, hạn chế cá chết

Được biết, đa phần các lồng nuôi cá trên sông Đà là lồng kiên cố, chi phí cho 1 lồng khoảng 50 triệu đồng, ngoài khung sắt, trong đóng bương hoặc tre và buông lưới 2-3 lượt. Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà bắt đầu được khoảng 5 năm qua, hộ nhiều nhất nuôi khoảng 50 lồng, hộ ít có 5 lồng. Đa số các hộ dân đều phải vay vốn ngân hàng để làm lồng, mua cá giống và thức ăn cho cá...

Lo lắng tương lai

Ông Thiều Minh Thế cho biết: 40 lồng cá của gia đình đều bị ảnh hưởng, nhiều cá bị chết. Thiệt hại đến nay là hơn 500 triệu đồng. Dồn kinh phí đầu tư cho lứa cá lồng này, gia đình đã vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng; tiền cám nợ hơn 1 tỷ và các khoản vay khác.

“Không nuôi cá, tôi không biết làm gì! Việc xả đáy khiến cá chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề, người dân chúng tôi rất mong các cấp, ngành, địa phương có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn được cá; có hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật giúp bà con khắc phục thiệt hại, tái sản xuất”, ông Thế nói.

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 9

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 2

Cá chết được bà con vớt đêm 20/7

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, từ sáng 20 đến trưa 21/7, trên địa bàn huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy (Phú Thọ), diễn ra tình trạng cá chết bất thường tại các lồng nuôi. Đã có 73 lồng cá bị chết với số lượng khoảng 150 tấn, thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng chục lồng nuôi khác bắt đầu có hiện tượng cá chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định do những ngày qua, thủy điện Hòa Bình xả đáy khiến nguồn nước thay đổi làm cá chết. 

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 11

Cá lồng chết hàng loạt (Phú Thọ): Người dân xót xa lo lắng - mất ăn mất ngủ - Hình 12

Đến 2h sáng ngày 21/7, các nhà lồng vẫn sáng đèn, tập trung các giải pháp cứu cá

Sáng 21/7, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ dẫn đầu đoàn công tác đã đi thị sát thực tế để có biện pháp xử lý. Sở đã chỉ đạo hộ nuôi cá neo đậu các lồng bè để không bị trôi; tăng cường các máy xục khí tại các lồng bè nhằm tránh trường hợp cá bị thiếu ô xi; khuyến cáo người nuôi cá lồng bán các loại cá đã đủ độ tuổi bán… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ cũng như việc xả đáy gây ra.

Tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để thông báo đến người dân và các cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Thọ, trên toàn tuyến sông Đà hiện có 444 lồng cá với tổng sản lượng ước khoảng gần 1.000 tấn, chủ yếu là các giống da trơn như cá chiên, lăng, tầm. Nguy hiểm hơn, tình trạng cá chết xảy ra trên toàn bộ chiều dài sông Đà qua địa phận tỉnh Phú Thọ và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Chi cục đã khuyến cáo bà con cố gắng dùng các máy sục để tăng cường ô xy trong các lồng cá.

Bài và ảnh:Hoan Nguyễn