Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục quán triệt quy tắc ứng xử, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, quy định chuyên môn của nhân viên y tế; tăng cường tổ chức tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện phương châm “Lấy người bệnh là trung tâm”, với tinh thần lắng nghe, cầu thị trong chăm sóc, điều trị người bệnh.
Chỉ đạo các cơ sở y tế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tuyệt đối không để mất cân đối về tài chính; thực hiện chế độ thanh toán, quyết toán đúng quy định; thường xuyên rà soát và chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Định kỳ triển khai kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, nhắc nhở và xử lý đối với các cá nhân, đơn vị không tuân thủ.
Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế để cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đúng theo quy định.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; tổ chức thực hiện chính sách đào tạo đặc thù cho khu vực khó khăn; phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục; tạo môi trường làm việc khoa học, chuyên nghiệp để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, nhân lực cho công tác khám bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý, nhất là dịp tết Nguyên đán và các ngày nghỉ lễ trong năm.
Đẩy mạnh triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc xin phòng bệnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt và rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, xử lý các vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hệ thống thông tin cơ sở về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường công tác quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, việc mua và sử dụng thuốc theo đơn.
Triển khai thực hiện nghiêm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ y tế.
Đồng thời, giao Sở Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường trang thiết bị y tế theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh: Dại, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi,…khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.
Thường xuyên tuyên truyền, mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe toàn dân.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố Cà Mau nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng. Sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện; phát huy vai trò, hiệu quả của y học cổ truyền trong phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
Tổ chức thực hiện đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thực hiện thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế theo quy định.
Chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống dịch bệnh và kiểm tra, giám sát, cảnh báo các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.
Nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Ngoài ra, khi phát hiện ổ dịch trên người hoặc động vật phải chỉ đạo truyền thông về tình hình ổ dịch và các cách phòng, chống để người dân biết và chủ động thực hiện tốt các biện pháp theo hướng dẫn.
Thuận Yến (t/h)