THCL Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, nguyên nhân gây sạt lở chủ yếu do sự chênh lệch lớn của biên độ thuỷ triều. Triều cường dâng cao còn kết hợp dòng nước chảy xiết, xoáy sâu vào đất liền…

Cà Mau: Xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở - Hình 1

Nhiều hộ dân vẫn phải sinh sống trong cảnh tạm bợ, đối diện với nguy hiểm do sạt lở, tại cửa Sào Lưới, huyện Phú Tân - Ảnh: Văn Tưởng

Hiện có hơn 130 hộ dân cư ngụ ở những khu vực đang xuất hiện những vết rạn nứt hoặc có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, do địa phương gặp khó khăn về vốn để triển khai xây dựng các khu nhà ở tái định cư. Nên chưa di dời các hộ dân này ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho hay: Nhiều vụ sạt lở, sụp đất thường xảy ra vào ban đêm nên người dân cần chủ động phòng tránh để hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Nếu thấy có dấu hiệu rạn nứt lan rộng, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương gần nhất, để có biện pháp gia cố hoặc di dời các vật dụng có tải trọng lớn ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Cà Mau: Xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở - Hình 2

Gần 2 ha đất rừng phòng hộ bị nhấn chìm tại cửa Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn - Ảnh: Văn Tưởng

Trước đó như đã đưa tin, tính từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 2, tại Cà Mau đã xảy ra nhiều vụ sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến vụ sạt lở xảy ra tại Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn). Gần 2 ha đất rừng phòng hộ bị nhấn chìm. Hơn 300 ha đất canh tác nuôi tôm bị ảnh hưởng. Trong những ngày tới, khu vực này vẫn có khả năng tiếp tục bị sạt lở bởi tác động mạnh của triều cường và sóng biển.

Nguyễn Lánh - Mạnh Dũng