Giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại gần mức cao nhất trong gần 15 năm trong hôm 30/8, sau khi Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đối với gạo đồ và gạo basmati. Đây là những sản phẩm cuối cùng chưa bị hạn chế xuất khẩu, dẫn đến chiến dịch thắt chặt gần đây bắt đầu bằng lệnh cấm xuất khẩu một số loại ngũ cốc vào ngày 20/ 7.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có thể gây tác động sâu và rộng đến nguồn cung và giá cả vì Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu so với mức khoảng 22% cách đây 15 năm. Hiệu ứng này tương tự như những hạn chế đã xảy ra vào năm 2007 và 2008, khi nhiều quốc gia phải hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Sự xuất hiện khởi đầu của El Niño trong năm nay đe dọa làm khô hạn nhiều khu vực trồng lúa trọng điểm trên khắp châu Á. Thái Lan đã cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào đầu năm 2024. Cho đến nay, vụ lúa ở Trung Quốc, nhà sản xuất và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, dường như đã tránh được các tác động nghiêm trọng do thời tiết xấu. Nhưng các khu vực trồng lúa quan trọng của Ấn Độ đang thiếu lượng mưa cần thiết.
Tuần trước, Philippines đã buộc phải áp đặt trần giá gạo trên toàn quốc do giá gạo bán lẻ tăng “đáng báo động” và xuất hiện những thông tin về tình trạng tích trữ đầu cơ của các thương nhân buôn gạo.
Tính đến hôm 1/9, giá bán lẻ gạo xay kỹ tại Phiippines dao động trong khoảng 47-57 peso (0,79 -1 đô la Mỹ) /kg. Philippines là nước nhập gạo lớn thứ hai thế giới. Các nước khác đang tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao.
Tại Malaysia, chi phí nhập khẩu gạo tăng đến 36%. Hôm 1/9, Padiberas Nasional, công ty độc quyền nhập khẩu, thông báo điều chỉnh giá gạo trắng nhập khẩu từ 2.350 ringgit (505 đô la)/tấn lên 3.200 ringgit (688 đô la) /tấn do các yếu tố như biến đổi khí hậu, đồng nội tệ suy yếu, chi phí vận hành cao và các xung đột trong khu vực.
Guinea đã cử Bộ trưởng thương mại đến Ấn Độ, trong khi Singapore, Mauritius và Bhutan đề nghị New Delhi miễn trừ họ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết vào tuần trước: “Việc một nước xuất khẩu gạo phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm và giá trong nước cao là không thể chấp nhận được”.
Một thương nhân tại một công ty thương mại quốc tế cho biết: "Khoảng 200.000 tấn gạo đã được xuất khẩu trong tháng này trong khi 300.000 tấn vẫn chưa được xếp tại các cảng Việt Nam". Người này cho biết thêm, người mua đã đồng ý trả giá cao hơn cho một số lô hàng mà họ mua cho lô hàng tháng 8.
Theo dự báo, El Nino đang ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất lương thực ở châu Á – khu vực chiếm đến 90% sản lượng gạo toàn cầu.
Thị trường toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn khi hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất gạo ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, với thời gian ảnh hưởng lên đến 100%.
Không những vậy, ngoài hiện tượng El Nino có thể kéo dài trong nhiều tháng, việc sản xuất lúa gạo của khu vực châu Á còn bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như: Lũ lụt lớn ở Pakistan do Biển Ả Rập ấm lên khiến mùa màng thiệt hại nặng nề.
Tất cả những tình trạng trên đang đè nặng lên triển vọng phục hồi sản xuất gạo của thị trường châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, buộc các quốc gia phải đưa ra giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và quốc tế, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thiên Trường