Mặc dù cả nước đã đạt được một số kết quả khả quan trong nâng cao năng suất, song Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và yếu tố tiên quyết vẫn là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo.
Do vậy, để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:
Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.
Thứ hai, tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa được chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.
Trước những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh về chiến lược để tăng trưởng năng suất, dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng TFP. Điều này chỉ có thể đạt được khi Việt Nam phát triển đồng bộ một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy khoa học và công nghệ làm trọng tâm. Cụ thể:
Một là, phát triển hơn nữa nguồn nhân lực có chất lượng cao: Con người là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất và đổi mới sáng tạo. Hiện nay ở Việt Nam, lao động thủ công chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu việc làm trên cả nước. Do vậy, Việt Nam chỉ xếp hạng ba từ dưới lên trong số 140 quốc gia được đánh giá trong chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 về sự phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp.
Đồng thời, theo Ngân hàng Thế giới, mức lương theo giờ của người lao động có trình độ sau phổ thông so với các nhóm có trình độ dưới tiểu học của nước ta đã giảm từ 70% trong năm 2010 xuống 50% trong năm 2020. Điều này chủ yếu là do sự không phù hợp của chương trình đào tạo với nhu cầu thị trường.
Hai là, tăng khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân: Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Tỷ lệ đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP năm 2021.
Ba là, phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Mặc dù có nhu cầu lớn trong thị trường khoa học và công nghệ, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp các giải pháp chất lượng cao. Thị trường khoa học và công nghệ còn yếu và thiếu, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ còn hạn chế.
Bốn là, đồng bộ hóa, nâng cao năng lực thực thi chính sách về năng suất và đổi mới sáng tạo. Việc tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo không phải là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực mà là vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các cấp.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần rà soát các văn bản pháp quy liên quan tới năng suất và đổi mới sáng tạo để có sự thống nhất về mặt chính sách, loại bỏ các chính sách trùng lắp, không phù hợp, thiếu hiệu quả, từ đó có lộ trình sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy đổi mới sáng tạo.
Minh Anh (t/h)