THCL Dù chưa chính thức khai giảng năm học 2016 - 2017, song rất nhiều phụ huynh lo lắng về các khoản thu đầu năm, thậm chí phải bóp chặt chi tiêu từ bây giờ để có thể có đủ tiền đóng năm học mới cho con.
Nhiều khoản thu gây choáng
Những ngày qua, phụ huynh HS Trường Tiểu học Ban Mai School (Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), rất bức xúc về thông báo nhà trường cho HS Nguyễn Bảo Ngọc Trâm (HS lớp 4A6) ra khỏi danh sách lớp vì không thống nhất được quan điểm giáo giục giữa nhà trường và phụ huynh.
Không chỉ có vậy, các phụ huynh còn liên tiếp phản ánh việc thu - chi của nhà trường không minh bạch, lạm thu…
Anh Nguyễn Mạnh Cường, phụ huynh HS Bảo Trâm (Hà Đông) cho biết: “Hàng năm, Trường Tiểu học Ban Mai đều thu cố định một khoản 1,2 triệu đồng/HS để chi cho các hoạt động ngoại khóa. Dù đã nhiều lần được yêu cầu công khai việc thu - chi này, nhưng lãnh đạo nhà trường chưa bao giờ làm rõ?”.
Chị Ngọc Anh, một phụ huynh phản ánh: Trường Tiểu học Ban Mai ép HS mua cuốn sách tiếng anh “The Leader in me” với giá 450.000 đồng (tại các trường khác chỉ 170.000 đồng/cuốn, có trường còn phát không cho HS). Hàng chục cuốn sách được nhà trường bán cho HS với giá rất cao khiến phụ huynh rất bức xúc.
Tiểu học Ban Mai là trường tư thục, thu học phí thuộc diện cao nhất thành phố, Hầu như mỗi năm tăng lên một mức. Chẳng hạn, nhà trường “vẽ” ra chương trình “Before and Now” là ngày hội trưởng thành của HS các bậc học từ mầm non đến THCS của hệ thống trường Ban Mai và thu mỗi HS 1 triệu đồng (năm 2015 - 2016) để các con tham gia buổi lễ và tri ân cha mẹ bằng hành động quỳ gối rửa chân. Tuy nhiên, việc này không được nhiều phụ huynh đón nhận vì khá nhạy cảm, gây lãng phí, không thiết thực.
Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh ở Hà Nội phải đau đầu vì đủ loại tiền sắp phải đóng góp cho con: Học phí, ăn bán trú, bảo hiểm, nước uống, mua sách, vở, quỹ lớp, quỹ trường, quỹ cha mẹ học sinh, đồng phục...
Để “lách” quy định, các trường đã chia nhỏ khoản đóng góp ra thành nhiều đợt dưới hình thức tự nguyện. Trong đó, khoản quỹ cha mẹ HS ngày càng biến tướng, mức đóng mỗi trường một kiểu, trường ít cũng 500.000 đồng/HS. Một số trường còn yêu cầu phụ huynh đóng tiền ủng hộ cho cả lễ kỷ niệm thành lập trường...
Rất cần sự giám sát
GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: “Bây giờ, dựa vào ban phụ huynh HS thì họ “nể” giáo viên và nhà trường. Thí dụ, nhà trường cần thu gì thì không trực tiếp đứng ra thu mà thông qua ban này vận động. Ban phụ huynh, phần lớn nghĩ “không làm theo, con em học hành như thế nào” nên đành nghe theo, đứng ra thu…”.
Dư luận cho rằng, lạm thu tại không ít trường hiện nay nghiêm trọng chẳng khác gì quan tham, nhận hối lộ. Để ngăn chặn lạm thu, toàn xã hội phải cùng tham gia, nhất là các bậc phụ huynh phải giám sát thu - chi, khi phát hiện ra các khoản bất hợp lý cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Bộ GD&ĐT cần quy định rõ mức thu, kể cả các khoản tự nguyện để hạn chế tối đa tình trạng lạm thu vào mỗi dịp đầu năm học mới.
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có Công văn 3026/GD&ĐT-KHTC, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu - chi đầu năm học 2016 - 2017. Theo đó, cấm vận động phụ huynh mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học...
Công văn cũng quy định và hướng dẫn, mức thu học phí, các đơn vị thực hiện theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 1/8/2016 của HĐND Thành phố.
Việc thu - chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ trên cơ sở dự kiến kế hoạch chi tiêu sau khi đã được thống nhất của toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ HS lớp, ban đại diện cha mẹ HS trường.
Các cơ sở giáo dục phải thỏa thuận thống nhất bằng văn bản về các mức thu khác của các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ HS lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ HS trường.
Hoan Nguyễn