Ảnh minh họa
Trong đó quận Hà Đông có 18 cửa hàng, quận Đống Đa có 34 cửa hàng và quận Tây Hồ có 10 cửa hàng được cấp chứng nhận.
Cụ thể, quận Hà Đông hiện có 78 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 21 hộ chuyên doanh, còn lại là kinh doanh tổng hợp. Có 52/78 cửa hàng có dán tem truy xuất nguồn gốc trái cây và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Sau khi rà soát, kiểm tra thực tế tại các cửa hàng đề xuất cấp biển nhận diện, quận đã chọn ra 18 cơ sở kinh doanh trái cây tiêu biểu đảm bảo an toàn thực phẩm theo yêu cầu để cấp biển và gắn biển nhận diện trong đợt 3. Toàn bộ 18 cửa hàng được cấp biển trong đợt này đều nằm trong chuỗi cửa hàng Vinmart.
Quận Hà Đông cũng tiếp tục duy trì 5 tuyến phố kiểu mẫu không kinh doanh trái cây dưới lòng đường vỉa hè, gồm: tuyến phố Quang Trung (phường Quang Trung), Nguyễn Văn Lộc (phường Mộ Lao), Phúc La - Văn Phú (phường Phú La), Lê Hồng Phong (phường Hà Cầu) và Tô Hiệu (phường Nguyễn Trãi).
Còn quận Tây Hồ đã gắn biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng yêu cầu trong Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận TP Hà Nội”.
Theo kết quả khảo sát của quận Tây Hồ, trên địa bàn quận có 54 cơ sở kinh doanh trái cây (trong đó có 14 cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây, 40 cửa hàng tổng hợp). 100% cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 40/54 cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc giấy xác nhận cam kết đảm bảo ATTP… Quận cũng đã phối hợp với các sở, ban ngành tập huấn, hướng dẫn thực hiện Đề án cho các cơ sở kinh doanh.
Đợt này, quận đã cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đáp ứng yêu cầu của Đề án cho 10 cửa hàng trên địa bàn phường Xuân La và phường Tứ Liên gồm: 5 địa điểm của Siêu thị Vinmart; cửa hàng Trái cây nhập khẩu (98 Xuân La); cửa hàng Thực phẩm Chi Nông (số 60 ngõ 28 Xuân La); cửa hàng Thực phẩm an toàn TOP Green (53 Xuân La); cửa hàng trái cây sạch (10 Xuân La). Như vậy, trên địa bàn quận tính đến nay hiện có 12 cửa hàng đã được gắn biển nhận diện trái cây an toàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, hiện số cửa hàng được gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn mới đạt hơn 30% so với tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Quận sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu 100% cửa hàng được gắn biển nhận diện trong năm 2018. Quận đã đề nghị các phường, tiếp tục thông tin về chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch của quận và TP về thực hiện Đề án này đến các hộ kinh doanh. Kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP.
Tại quận Đống Đa, qua kiểm tra có 34 cửa hàng thuộc hệ thống Vinmart+ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và đáp ứng các tiêu chí của Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Tại buổi lễ, UBND quận cấp biển nhận diện cho 34 cửa hàng và tiến hành gắn biển đại diện cho 3 cơ sở thuộc hệ thống Vinmart+ tại các phường Láng Thượng, Ô Chợ Dừa và Thổ Quan.
UBND quận Đống Đa cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát các cửa hàng trái cây theo đúng hướng dẫn của Đề án với 4 nhóm điều kiện gồm: điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.
Đến tháng 3/2018, trên địa bàn quận có 83 cơ sở kinh doanh trái cây, trong đó 24 cơ sở kinh doanh cá thể, 59 doanh nghiệp chuyên kinh doanh trái cây. Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP là 75 cửa hàng.
Việc cấp biển nhận diện trái cây an toàn cho các cửa hàng giúp các cơ quan quản lý thuận tiện hơn về ATTP và đồng thời cũng giúp người tiêu dùng có những lựa chọn tốt và đáng tin cậy hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Linh Tuệ( t/h)