10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam
10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam

Bài 4: Đồng Nai nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2023

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện NQ Đại hội XIII của Đảng, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026. Tuy nhiên, những khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và xung đột quân sự ở nhiều khu vực, cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.

23 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Trong năm 2023, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch phối hợp với đơn vị tư vấn tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ của công tác lập quy hoạch tỉnh.

Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 (Ảnh: Châu Phụng)

Đến nay, hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đã được UBND tỉnh hoàn thiện và trình hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050 xem xét, thẩm định theo quy định. Dự kiến trong quý I/2024, tỉnh sẽ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ đề trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

Công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng được các sở, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện, nhất là công tác bàn giao mặt bằng cho các dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3…

Trong năm, có 9 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vượt mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, 14 chỉ tiêu đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, vẫn còn 8 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu, tổng thu ngân sách, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường còn chậm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ:

“Trong năm qua, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã kịp thời đưa tin, phản ánh nhiều vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tập trung vào những thành tựu, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các nghị quyết của HĐND tỉnh, các chính sách, hoạt động an sinh - xã hội, tình hình sản xuất, thu hút đầu tư của tỉnh; tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các thông tin về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến bài về văn hóa, du lịch, kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai”…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh 2010) đạt 246.448,8 tỷ đồng, tăng 5,3% so 2022. GRDP bình quân đầu người năm 2023 (theo giá hiện hành) dự ước đạt 139,75 triệu đồng (tương đương 5.996,2 USD).

Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt khoảng 58.035 tỷ đồng, bằng94% so dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương khoảng 24.418,7 tỷ đồng, đạt 94% dự toán giao đầu năm, bằng 95% so 2022.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,21% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (giá so sánh 2010) đạt 49.021,71 tỷ đồng, tăng 3,94% so 2022.

Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, so 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,92%. Doanh thu dịch vụ du lịch tăng 40,8%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 21.714 triệu USD, giảm 11,73% so 2022. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 15.698 triệu USD, giảm 17,12% so 2022. Giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 6.016 triệu USD.

Giá trị xuất siêu trên địa bàn đạt khoảng 6 tỷ USD. Các khu công nghiệp đã cho thuê đạt tỷ lệ hơn 85,6% diện tích đất cho thuê.

Công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, được tập trung thực hiện. Tỉnh đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2023. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 113,2 ngàn tỷ đồng, tăng 12,2% so năm ngoái.

Đồng Nai nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2023

Tình hình thu hút dự án đầu tư mới trong nước và nước ngoài tăng so 2022, tập trung chủ yếu trong khu công nghiệp. Thu hút đầu tư trong nước cấp mới 20 dự án (trong khu công nghiệp 13 dự án) với tổng vốn đăng ký khoảng 6.369 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần về số dự án và tăng gấp khoảng 6 lần vốn đăng ký cấp mới so 2022. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới 65 dự án với tổng vốn đăng ký 317,8 triệu USD (so 2022, tăng 77,3% về số dự án và bằng 83,5% về vốn đăng ký cấp mới).

Lũy kế đến nay, dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực là 1.092 dự án với số vốn hơn 318.123 tỷ đồng. Số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực là 1.593 dự án với số vốn 34,05 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được chú trọng. Các chính sách, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân được quan tâm, thực hiện kịp thời…

Bên cạnh những kết quả khá tích cực trên thì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội chậm, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như dệt, may mặc, sản xuất da và giầy da, hóa chất, sản phẩm điện tử, giường, tủ, bàn ghế...

Sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là giá thức ăn tăng cao, bên cạnh đó dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Năm 2024 ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Năm 2024, Đồng Nai tiếp tiếp tục tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại kinh tế của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên:

“Năm 2023, trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội của địa phương, gặp rất nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ở Đồng Nai tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc triển khai thủ tục đầu tư nhiều dự án bị ách tắc, do vướng quy định, chính sách. Tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh còn chậm, cũng ảnh hưởng đến nhiều dự án, công trình quan trọng và thu hút đầu tư.

Các yếu tố trên, góp phần làm cho giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so dự toán. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký mới giảm; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng”.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, kết quả đạt được 2023 - chưa như mong đợi, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có một số nguyên nhân chủ quan.

Cụ thể, trong thực hiện quy chế làm việc của UBND tỉnh, vẫn còn tình trạng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và các đơn vị, công tác giám sát thực thi nhiệm vụ của một số đơn vị, địa phương chưa cao.

Các sở, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chậm trễ khi thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là công tác giải ngân lĩnh vực đầu tư công.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, điều hành, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Trong bối cảnh khó khăn vẫn tiếp diễn - đòi hỏi các địa phương, sở, ngành phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Năm 2024, Đồng Nai đặt ra một số mục tiêu quan trọng về kinh tế:

Tốc độ tăng GRDP từ 6,5 - 7% so 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% so 2023; phấn đấu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 124 ngàn tỷ đồng và tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.

Toàn tỉnh có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó là một số nhiệm vụ như tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 68,5%; kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội...

Một góc đô thị Biên Hòa bên sông Đồng Nai (Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường)
Một góc đô thị Biên Hòa bên sông Đồng Nai (Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường)

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, các mục tiêu về kinh tế - xã hội - là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần phải phấn đấu để đạt được. Do đó, các sở, ngành, địa phương quyết tâm phấn đấu ngay từ đầu năm 2024 để đạt kết quả tốt nhất trên từng lĩnh vực.

Một trong những giải pháp quan trọng trong năm tới đó là triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ trong đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án có tác động lớn, đặc biệt là Dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, năm 2024, dự báo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh cần chủ động điều hành đồng bộ các giải pháp, tăng thu ngân sách bền vững.

Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình cho biết:

“Năm 2024, Đồng Nai đặt kế hoạch dự toán thu ngân sách 56,1 ngàn tỷ đồng. Các đơn vị trong ngành sẽ tập trung chỉ đạo đôn đốc thu, tăng cường khai thác nguồn thu ngay từ đầu năm.

Trên cơ sở đó, các địa phương tập trung đánh giá tình hình thu ngân sách của địa phương mình để giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu, phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, các địa phương, đơn  vị đẩy mạnh chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước”…

Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, đạt hơn 246,4 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3% so 2022; thu ngân sách nhà nước khoảng 58 ngàn tỷ đồng, đạt 94% dự toán đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 21,7 tỷ USD, giảm 11,7%; nhập khẩu 15,7 tỷ USD, giảm 17,1%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm, đạt hơn 1,1 tỷ USD...

H. Thủy