THCL Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong năm nay, Cục tiếp tục tập trung vào nhiều vấn đề lớn.

Nâng cao năng lực

Cụ thể, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương, định hướng lớn về cải cách TTHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị; ưu tiên lựa chọn những TTHC phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế để tiếp tục đơn giản hóa và cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo để bảo đảm nguyên tắc chỉ duy trì và ban hành những TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, có chi phí tuân thủ thấp nhất, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC theo đúng Chỉ thị số 13/CT-TTg”, ông Phan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm soát TTHC triển khai thực hiện có kết quả Đề án Thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC; chủ động nghiên cứu, đề xuất nhân rộng phương thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính, góp phần tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, giai đoạn 2013 - 2020.

Đặc biệt, Cục Kiểm soát TTHC nghiên cứu, tham mưu việc đổi mới phương thức, cách thức thực hiện TTHC, triển khai có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

Cắt giảm gánh nặng hành chính trong thực hiện chế độ thông tin báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tập trung cải cách TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công; đẩy mạnh công tác truyền thông về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động kiểm soát TTHC cũng là những nhiệm vụ quan trọng được triển khai.

Nhiệm vụ trọng tâm

Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Cải cách TTHC tiếp tục là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Chính phủ giao các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục “thực hiện nghiêm việc đơn giản hóa TTHC theo các quy định pháp luật nhằm giảm phiền hà, giảm bớt chi phí và thời gian của DN để làm các thủ tục thành lập, phá sản DN, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng...”.

Để đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và DN, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2016 cũng tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp như sau.

Một là, tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội, chấp hành luật pháp…

Hai là, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về đơn giản hóa TTHC; rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, DN; công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN; đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo hướng tập trung, trực tiếp giải quyết công việc, có sự giám sát chặt chẽ của cấp có thẩm quyền, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức liên quan; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, DN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Ba là, nghiên cứu, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện cải cách TTHC trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công; tập trung xây dựng, mở rộng và nâng cấp 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng; triển khai thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền; tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử trong các bộ, cơ quan, địa phương; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Hà Thu