Cuộc họp cấp thượng đỉnh Mỹ- Triều giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un đã kết thúc. Bình luận ngay sau cuộc họp cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều tỏ ra tin tưởng vào bước đi đầu tiên tiến tới quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản e dè nhắc cơ chế đàm phán 6 bên

Đối với Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh tới kết quả cuộc thượng đỉnh là "bước đi đầu tiên" và "còn nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến Triều Tiên".

 Cảm xúc Nhật, Hàn trước kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều - Hình 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Nói trước các phóng viên, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cảm phục sự lãnh đạo và những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi xúc tiến, buộc cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên diễn ra.

Ông đánh giá cao quan ngại mà Tổng thống Mỹ đã nêu ra khi gặp gỡ ông Kim Jong-un về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hai lần tới Mỹ đề nghị Tổng thống Trump thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên về vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Ông Trump đã thực hiện lời hứa nêu vấn đề này trong cuộc gặp ông Kim Jong-un diễn ra sáng 12/6 tại Singapore.

Ông Abe cho biết, sẽ cùng hợp tác với các nước khác trong kênh đối thoại "Đàm phán 6 bên" gồm Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nhắc đến việc Nhật Bản sẽ cùng hợp tác với 3 quốc gia còn lại trong kênh đối thoại 6 bên về tình hình Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản ngầm ý nhắc tới cuộc họp về khả năng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, ký thỏa thuận khi chỉ có hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên tham gia.

Thủ tướng Nhật Bản cũng khẳng định mong muốn thảo luận với Tổng thống Trump về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên đồng thời tin tưởng rằng những cam kết về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của ông Kim Jong-un sẽ được thực thi toàn diện.

Trong diễn biến khác cùng ngày, Nhật Bản đã phóng tên lửa H-2A F39 mang theo vệ tinh thu thập thông tin tình báo từ một bệ phóng ở miền Tây Nam nước này.

Các vệ tinh do thám kiểu radar này thường được sử dụng cho các mục đích như giám sát các cơ sở quân sự của Triều Tiên và chụp ảnh các khu vực thiên tai hoành hành.

Chính phủ Nhật Bản hiện vận hành 4 vệ tinh radar và 2 vệ tinh quang học, và đang lên kế hoạch tăng tổng số vệ tinh lên 10 chiếc.

Hàn Quốc vui mừng

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã bày tỏ sự sốt sắng và vui mừng trước diễn biến ở Singapore.

"Tôi xin gửi lời chúc mừng và hoan nghênh thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều Tiên thành công. Thỏa thuận Sentosa ngày 12/6 được ghi nhận là sự kiện lịch sử giúp chấm dứt di sản chiến tranh lạnh cuối cùng trên Trái Đất.

Dựa trên thỏa thuận đạt được ngày hôm nay, chúng ta sẽ có lộ trình mới phía trước. Bỏ lại những ngày đen tối với chiến tranh và xung đột, chúng ta sẽ viết lên trang sử mới về hòa bình và hợp tác. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với Triều Tiên” - Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố.

Cảm xúc Nhật, Hàn trước kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều - Hình 2

Tổng thống Hàn Quốc xem trực tiếp truyền hình thượng đỉnh Mỹ- Triều trước khi họp nội các.

 Ông Moon Jea-in nói với các quan chức trước buổi họp Nội các rằng, ông đã có "một đêm không ngủ" với hy vọng "đây sẽ là một cuộc gặp thượng đỉnh thành công, mở ra một kỷ nguyên mới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, hòa bình và một quan hệ mới giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ".

Ông Moon Jae-in cũng đồng thời ca ngợi Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim “can đảm và quyết tâm” hướng đến sự thay đổi.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các thành viên Nội các khác đã lùi cuộc họp hàng tuần hơn 10 phút để theo dõi thời khắc mở màn cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều.

Trước đó cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này quyết tâm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc thông qua các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trung Quốc kêu gọi gỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un mang ý nghĩa tích cực và đang tạo ra chương sử mới.

“Chuyện quan trọng nhất và khó khăn nhất là ngồi xuống tìm cách giải quyết thông qua đàm phán ôn hòa, bình đẳng" - Ngoại trưởng Vương Nghị nói.

Ông Vương còn bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ giúp “xóa bỏ những hoài nghi, bất đồng, thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau, vượt qua những thách thức để đạt được sự đồng thuận cơ bản, thực hiện các bước cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên".

Trả lời câu hỏi về tương lai các lệnh trừng phạt Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói các nghị quyết liên quan của LHQ, dựa theo những gì Triều Tiên đã tuân thủ và áp dụng theo, có thể được điều chỉnh bao gồm tạm hoãn hoặc dỡ bỏ một số lệnh cụ thể.

Nga thúc giục hội đàm đa phương về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

Thông cáo phát đi sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ- Triều của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những nỗ lực chủ động để duy trì các tiến trình chính trị và ngoại giao xung quanh bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh giai đoạn thứ nhất và thứ hai của sáng kiến Nga – Trung Quốc đã được thực hiện, chúng tôi mong muốn các bên bắt đầu làm việc trên phương thức hội đàm đa phương".

Quan điểm này của Nga cũng tương tự với Nhật Bản nhưng được đề cập rõ ràng hơn.

"Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là tạo ra cơ chế vững chắc cho hòa bình và an ninh trên cơ sở tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia vùng Đông Bắc Á” - thông cáo nhấn mạnh.

Về kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều, Moscow bày tỏ hoan nghênh với kết quả tích cực mà hội nghị này mang lại khi ông Kim Jong-un và ông Donald Trump ký kết thỏa thuận, cũng như có các cuộc hội đàm tích cực với nhau, đồng thời nhấn mạnh lại vai trò của Nga trong tiến hình nói trên.

“Chúng tôi hoan nghênh việc tổ chức đàm phán giữa Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Xuất phát từ thực tế việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, nguyện vọng được phản ánh trong tuyên bố chung cuối cùng của các bên, chúng tôi là một phần trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại trên bán đảo Triều Tiên” - thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Theo Đất Việt