Tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến diễn ra ở Singapore ngày 12/6, hai chính trị gia khó đoán nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đương nhiên sẽ chiếm trọn “sân khấu chính”. Nhưng ở phía sau “cánh gà”, Trung Quốc cũng đang nắm những “lá bài” rất có thể sẽ quyết định kết quả của cuộc gặp này.
Cuộc gặp thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ đầu năm 2018. (Ảnh: AFP)
Cho đến gần đây, Trung Quốc dường như vẫn chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng mạnh của Triều Tiên. Trên nền tảng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã bắt đầu xiết chặt hơn bao giờ hết các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước láng giềng anh em.
Tuy nhiên, tất cả thay đổi chỉ sau một đêm, khi tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức đồng ý lời mời bất ngờ của của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về cuộc gặp Thượng đỉnh giữa 2 bên.
Trung Quốc đã tính toán kỹ trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Sau khi ông Trump nhận lời mời trên, thay vì tăng cường sức ép, ông Tập Cận Bình đã mời nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên đến Bắc Kinh trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011. Chuyến thăm này được xem là động thái làm ấm lại mối quan hệ hữu hảo lâu đời giữa 2 nước sau ít nhiều tổn thương vì các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nếu còn bất cứ sự nghi ngờ nào về mối quan hệ nồng ấm ấy thì ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un lại tiếp tục gặp nhau ở Đông Bắc Trung Quốc hồi đầu tháng 5 vừa qua. Kết quả cuộc gặp không chỉ là những bức ảnh tay bắt tay, vai kề vai thân mật mà theo một số nguồn tin, Trung Quốc còn cho phép thương mại xuyên biên giới 2 nước tăng trở lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã than phiền rằng cuộc gặp này “bỗng dưng xuất hiện từ hư không” và ông đã bị “che mắt”. Tổng thống Trump lo ngại rằng, ông Tập Cận Bình “có thể đang tạo ảnh hưởng” đến ông Kim Jong-un nhằm đưa ra yêu cầu của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp và nói chuyện với ông Tập Cận Bình nhiều lần. Và vì thế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng có thể đã tìm kiếm lời khuyên của ông Tập Cận Bình về việc đàm phán với vị Tổng thống cứng rắn nhưng lại hay thay đổi như ông Trump.
Ít nhất đến giờ phút này, ông Tập Cận Bình có lẽ đã đạt được mục tiêu ngắn hạn của Trung Quốc. Hành động “áp sát” Triều Tiên trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đã tái xác định vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh trong bất cứ cuộc đàm phán nào thay đổi “thời tiết” chính trị hiện nay ở châu Á.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, với nước cờ Thượng đỉnh Mỹ - Triều, đã cải thiện được quan hệ với Trung Quốc hoặc ít nhất là đưa mối quan hệ đó trở lại trạng thái đối tác kinh tế chiến lược suốt 7 thập kỷ qua.
“Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng hiểu rằng, nếu không có Trung Quốc ủng hộ, ông ấy chẳng hoàn thành được việc gì” – chuyên gia về Trung Quốc tại viện nghiên cứu Brookings Cheng Li nhận định.
Càng gần tới ngày diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc giờ đây như một lá joker trong ván bài chính trị chóng mặt nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ác mộng của Trung Quốc về Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Các nhà phân tích đã đưa ra một vài lý do cho động thái đảo ngược chính sách của ông Tập Cận Bình và tác động của điều này đối với Mỹ.
Về ngắn hạn, giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại họ có thể bị “bỏ rơi” trong khi Triều Tiên được một thỏa thuận nào đó với Mỹ, một thỏa thuận có thể thay đổi hiện trạng chiến lược ở biên giới với Trung Quốc. Điều này có thể đổ thêm “dầu” vào ngọn lửa tranh cãi thương mại không hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhưng phiền toái cho các nhà lập pháp Mỹ là Trung Quốc dường như đã kiên quyết rằng bất cứ thỏa thuận giải giáp hạt nhân nào cũng phải có sự nhượng bộ của Mỹ, mà điều này chắc chắn sẽ làm vị thế quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và khắp châu Á trở nên yếu đi.
Bất cứ điều gì làm suy yếu ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, chẳng hạn như di dời một vài hoặc toàn bộ 30.000 quân nhân khỏi Hàn Quốc, hay rút hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khỏi khu vực này, cũng sẽ tăng cường đáng kể vị thế của Trung Quốc ở đây.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn quan tâm đến việc họ được nhìn nhận như thế nào cả trong và ngoài nước. Vì thế đối với ông Tập Cận Bình, chẳng có điều gì hủy hoại về mặt chính trị hơn là việc Trung Quốc bị Tổng thống Mỹ gạt sang bên lề ngay ở “sân sau” của Bắc Kinh.
Trong mắt mọi người, kết quả tồi tệ nhất của Thượng đỉnh Mỹ - Triều là một thất bại dẫn tới việc Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng với Trung Quốc, “ác mộng” thực sự là một thỏa thuận thúc đẩy giải giáp hạt nhân Triều Tiên mà không phục vụ lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ít có khả năng đó xảy ra. Giáo sư về quan hệ quốc tế David Kang cho rằng, kết quả nhiều khả năng xảy ra là ông Kim Jong-un đề xuất phi hạt nhân hóa từng giai đoạn khi Mỹ chứng minh rằng họ sẽ không khiến chính quyền của ông bất ổn.
Một số luồng ý kiến ở Trung Quốc còn lo ngại Triều Tiên đang tìm cách cân bằng giữa 2 “người khổng lồ” quyền lực Mỹ - Trung như cách mà một số nước nhỏ đã làm. Một số người nhìn xa hơn về tương lai và cho rằng Bán đảo Triều Tiên có thể thống nhất và trở thành đồng minh của Mỹ giống như Đông Đức và Tây Đức sau Chiến tranh Lạnh.
Những viễn cảnh đó đối với Bắc Kinh còn khó chịu hơn là sống cạnh một nước láng giềng khó đoán và sở hữu vũ khí hạt nhân – Yanmei Xie, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận định./.
Theo VOV