Hàng hóa không nguồn gốc, không niêm yết giá
"Mục sở thị", các gian hàng kinh doanh buôn bán trong chợ; các mặt hàng về quần áo, thời trang, ba lô túi sách, ví, thắt lưng, mũ, giày dép, đồ gốm sứ, đồ trang trí nhà cửa, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm,...không niêm yết giá.
Khi chúng tôi hỏi về giá chiếc áo khoác tại chợ Quán Toan, ban đầu, chủ gian hàng báo giá là 750.000 đồng, sau đó giảm xuống là 550.000 đồng. Cũng như vậy với nhiều mặt hàng khác đều được chủ gian hàng “thổi” giá tùy ý nhằm thu lợi chênh lệch không đúng với chất lượng hàng hóa với từng đối tượng người mua hàng. Hành vi gian lận thương mại, cố tình không tuân thủ việc niêm yết giá để trục lợi từ người tiêu dùng chính là lý do khiến người tiêu dùng "sính" đi siêu thị hơn đi chợ.
Ngoài một số mặt hàng nội địa thì hầu hết tất cả đều được tiểu thương thừa nhận là hàng của Trung Quốc. Hàng hóa ở đây được nhập theo kiểu “xe hàng mang đến” giao cho các chủ của hàng kinh doanh trong chợ.
Xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng cấm
Tại quầy hàng tạp hóa, khi chúng tôi hỏi mua, bà chủ có thái độ thăm dò, cẩn trọng. Chúng tôi hỏi mua đường hóa học, tuy nhiên bà vẫn thì thầm “hàng hiếm lắm, có đâu, biết vì sao không? Trung Quốc nó cấm biên” nhưng tôi đã tích trữ được một ít". Rồi, bà chủ quầy vào góc khuất lôi ra 02 túi đường hóa học để bán cho chúng tôi với giá 85.000 đồng/kg.
Bơ đóng hộp không có nhãn mác.
Việc sử dụng đường hóa học (chất tạo ngọt) có thể gây ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến yếu tố di truyền...Từ những nguy cơ trên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã cấm không cho phép sử dụng chất này làm phụ gia thực phẩm. Ngay cả việc những loại được phép cũng cần được quản lý và hướng dẫn dùng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn liều lượng khi sử dụng. Việc "cẩn trọng dò xét" và thái độ lén lút to nhỏ của chủ kinh doanh về hành vi bán chất hóa học kia là chứng tỏ họ đã có hiểu biết quy định cấm về mặt hàng này nhưng vì lợi nhuận mà bất chấp.
Các loại bánh kẹo bán theo cân, ô mai, các loại hạt ăn vặt,...cũng được chủ gian hàng nói "nhập từ Trung Quốc", rồi tiểu thương "tự đóng bao bì", hoặc "bao bì toàn chữ nước ngoài của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật,...chẳng thiếu loại hàng gì".
Quần áo, hàng phụ kiện thời trang, túi xách, ba lô, túi du lịch, va li,...tại khu vực kinh doanh trong chợ có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu của Gucci, Dior, Chanel, Nike, Adidas,...hiện tượng nhập lậu và hàng kém chất lượng. Hàng nhu yếu phẩm và gia vị tự đóng chai, gói, hộp không ai kiểm chứng được số lượng, chất lượng, không có ngày sản xuất, đóng gói, hết hạn về, không có hướng dẫn liều lượng, cách dùng.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 quy định rõ về các mức phạt có thể lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, làm giả, làm nhái, hàng xâm phạm bản quyền, hàng thực phẩm cấm, hàng có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Để được bán hàng, ngồi vỉa hè, lòng đường, trông xe phải "ủng hộ" phường
Tiểu thương bật mí về các khoản thuế, phí đã thành “lệ” đối với nhiều hộ cá nhân kinh doanh khu vực ven chợ và ngoài mặt đường quốc lộ 10. Tại khu vực này, nhiều năm nay UBND phường Quán Toan cho các hộ thuê sử dụng vào mục đích buôn bán có thu phí. "Việc hợp thức hóa vỉa hè thành điểm cho thuê bán hàng do phường quản lý đã có cả chục năm nay” một người kinh doanh tại vỉa hè chia sẻ.
Nhóm PV tìm hiểu thêm về các tiểu thương buôn bán ngoài vỉa hè, người có địa điểm kinh doanh mặt đường gắn liền diện tích vỉa hè dành cho người đi bộ được biết “mỗi tháng đều nộp cho cán bộ phường đến tận nơi thu - như hình trên - từ 150.000 đến 200.000 đồng/tháng, không có giấy tờ hóa đơn gì, chỉ có sổ ghi người nộp”.
Người bán hàng rau củ bán tại “lòng đường” cho chúng tôi biết: “Hai chị em 100.000 đồng/tháng”. Cô A bán hàng thịt đã 6-7 năm nói “mỗi tháng cô mất 150.000 đồng cho phường thu, tết nó còn xin thêm”. Chị B bán hoa quả bày tỏ: “Tiền tết nó xin thêm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, còn hàng tháng trăm rưỡi, hai trăm” tiền “ủng hộ phường”, Tết thì họ xin “cho anh em mấy đồng mua cây cảnh”.
Chị C bán hàng mấy năm nay tại vỉa hè đường, nói “mỗi tháng 1 triệu mất tiền cho phường, đâu chả mất tiền, bán mỗi tý cửa nhà người ta còn mất gần triệu bạc 1 tháng”, "do chị bán hàng có ngồi ra vỉa hè nên mới phải chi". Người mua hàng nói thêm “bán hàng thuê ki ốt nhưng dải hàng hóa nhiều ra vỉa hè lại mất tiền cho phường, mất 2 lần tiền chứ không phải độc tiền ki ốt”.Có hóa đơn, “nhưng toàn hóa đơn với vẩn, không phải hóa đơn kia đâu” và người của ủy ban “tổ trật tự" đi thu hàng tháng. Cô bán hàng bên cạnh cũng mất “1 triệu” 1 tháng tâm sự: “khổ lắm, hở ra lại tiền”. Bán vỉa hè cũng phải nộp “thuế môn bài”, không đăng ký kinh doanh, không địa điểm hợp pháp nhưng vẫn phải đóng “thuế môn bài” 1 năm mất 500.000 đồng.
Phường xây dựng trên vỉa hè để cho thuê thu tiền
Thuê vỉa hè cả chục năm và có hợp đồng với phường, đóng tiền theo năm, chỗ “bà” ngồi do sử dụng lâu năm nên tiền thuê ít, hàng hoa quả ngay cạnh đó 1 tháng cũng mất khoảng 1-1,5 triệu và cũng đóng tiền theo năm cho phường. “Trong chợ mới là chết, đủ loại phí, thuế” rồi thò ra tý vỉa hè lại tiền “cho phường, tết lại 500 – 1 triệu đồng”, bà V chia sẻ.
Tại vỉa hè khu vực sân chơi bóng và các hoạt động thể dục thuộc khuôn viên khu tập thể còn có việc phường làm khung cột bắn mái tôn cho người dân thuê bán hàng, cho thuê để trông xe,...
Một người bán hàng tại điểm đó thông tin: “Phường làm cái chỗ này báo cho hộ kinh doanh ở đây là hết 80 triệu đồng”, để được sử dụng mỗi chủ điểm bán hàng phải nộp về cho phường 20 triệu đồng. Việc dựng khung cho thuê vỉa hè tại điểm này đã được 04 năm rồi, chân cốt có hiện tượng mọt dân phải mang bê tông ra đổ để giữ.
Theo quan sát của nhóm PV Thương hiệu & Công luận, điểm bán hàng này có khoảng diện tích chưa đến 100m2. Ngoài ra, mỗi tháng người sử dụng mỗi quầy hàng tại khu vực này hàng tháng vẫn nộp cho phường 300.000 đồng phí sử dụng vỉa hè. Chị B bán hàng tại đây nói “hàng tháng vẫn thu phí đều không bớt nghìn nào, dù dịch bệnh khó khăn”.
Tại khoản 4, Điều 1, Nghị định 100/2013/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã quy định rõ nếu không sử dụng vỉa hè vào mục đích giao thông thì việc sử dụng vỉa hè của tổ chức, cá nhân là lấn chiếm có thể phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm được quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị
Tại khu vực đường cạnh chợ Quán Toan, lối đi vào khu nhà ở Quán Toan của Công ty cổ phần Long Sơn, nơi đã có quy hoạch khu nhà ở Quán Toan chỉ được xây dựng nhà ở biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà ghép hộ, trường mẫu giáo, sân thể dục thể thao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đường hè sử dụng chung với chiều cao tối đa 15m tương đương chiều cao nhà 3,5 tầng.
Quy hoạch do Giám đốc Sở Xây dựng Dương Thành Năm ký ngày 15/07/2003 nêu rõ “cấm xây dựng các công trình trái với nội dung chứng chỉ quy hoạch này”.
Theo phản ánh của người dân sinh sống trong khu nhà ở Quán Toan từ nhiều năm nay cứ khoảng từ 6-7h sáng việc lưu thông qua đoạn đường này rất khó khăn do hàng bày kín lòng đường đi và vỉa hè, nhất là ngày mùng 1, 15 âm lịch và Chủ Nhật hàng tuần.
Ngoài ra, tại mặt đường quốc lộ 10 có rất nhiều "siêu thị mặt đất" bán các loại mặt hàng ví da, thắt lưng, giày,... không rõ nguồn gốc, không có tem mác, hàng kém chất lượng không đúng quy hoạch và làm mất mỹ quan đô thị.
Đối các mặt hàng này có dấu hiệu nhập lậu, nhập không rõ nguồn gốc; tem nhãn quần áo, mũ, ví, túi xách, mỹ phẩm, hay đến các loại bánh kẹo, bột thực phẩm, tương ớt, các loại gia vị đóng chai đều có chung nhiều đặc điểm như tem chữ nước ngoài 100%, hoặc không có nhãn mác ghi số liệu, thông tin hay nhập nhèm về đơn vị sản xuất, nhập khẩu đề nghị Ban Quản lý chợ Hồng Bàng phối hợp với Phòng Kinh tế quận và lực lượng Quản lý thị trường số 5 tuyên truyền phổ biến pháp luật, xử lý vi phạm về kinh doanh hàng giả hàng, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đến các hộ kinh doanh.
Đề nghị UBND quận Hồng Bàng làm rõ việc xây dựng các gian hàng, ki ốt để cho thuê, việc cho thuê vỉa hè, thu các phí, thuế không có hóa đơn chứng từ và các khoản thu này đã đi đâu về đâu, được sử dụng như thế nào? Làm rõ trách nhiệm tập thể, các nhân liên quan đến việc xây dựng tại khu nhà ở Quán Toan vi phạm quy hoạch đang diễn ra và tồn tại nhiều năm nay.
Thương hiệu & Công luận tiếp tục thông tin về việc bảo vệ người tiêu dùng, chống hàng nhái, giả, cấm, hàng kém chất lượng của phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, của lực lượng Quản lý thị trường Hải Phòng trước vấn đề tạp chí phản ánh.
Nhóm PV