Khát vọng cống hiến, phụng sự
Cùng với sự chuyển mình của đất nước qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đang hình thành một đội ngũ doanh nhân mang khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự! Phụng sự bằng cách tự nguyện gánh vác sứ mệnh làm giàu cho đất nước mà Tổ quốc và dân tộc trao cho.
Phụng sự bằng cách liên tục đổi mới sáng tạo; mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, linh hoạt thích ứng và vươn ra toàn cầu. Chúng ta đã có những thương hiệu mạnh của quốc gia đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng ta cũng đã có đội hình doanh nghiệp hội tụ đủ năng lực để chủ động bảo vệ và phát triển thị trường nội địa.
Doanh nhân Việt Nam phụng sự bằng cách tiên phong đi vào những lĩnh vực khó nhưng là xu thế tất yếu của thời đại, là kinh tế xanh – kinh tế số – kinh tế tri thức, thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ.
Doanh nhân Việt Nam phụng sự bằng cách ngày đêm trăn trở để hồi sinh những vùng đất khó, hình thành năng lực cạnh tranh mỗi ngành hàng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và góp phần quan trọng để thay đổi diện mạo và tiềm lực quốc gia. Doanh nhân Việt Nam là những người luôn cháy trong mình khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là khát vọng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để có được điều đó, doanh nhân Việt Nam đã và sẽ là những người cống hiến, hy sinh, kinh doanh liêm chính, có trách nhiệm. Họ luôn sống, phụng sự bằng trái tim và tình yêu Tổ quốc. Mang trong mình tinh thần và khát vọng đó, doanh nhân Việt Nam là những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm.
Hiện nay, khi đất nước đang phải căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, doanh nhân Việt Nam là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng sẽ là những người tiên phong giải những bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.
Chia sẻ quan điểm tại Tọa đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19” tổ chức ngày 12/10/2021, TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc vào 3 vấn đề lớn. Vấn đề đầu tiên chính là ở người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không chuẩn, cấp dưới khó có thể nền nếp. Hiện nay, 60% doanh nghiệp Việt Nam đang lệ thuộc văn hóa người đứng đầu.
Thứ hai là văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc quản lý quy chế nội bộ, gồm: Con người, tài chính và thu nhập phân chia lợi ích.
Thứ ba là văn hóa xã hội. Văn hóa doanh nghiệp là đạo đức doanh nghiệp. Đạo đức với dân, với khách hàng. Để có được những điều này, đòi hỏi doanh nghiệp cần có: Chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội và thái độ với môi trường.
“Qua đại dịch Covid -19, chúng ta thấy có 4 bộ phận phụng sự rất tốt cho đất nước: Đầu tiên chính là doanh nghiệp. Nhắc lại việc người dân sinh sống ở TP.HCM “ào ào” trở về quê, có hai nguyên nhân của hiện tượng này, một là do dịch bệnh, hai là do họ thất nghiệp và không còn kế mưu sinh. Từ đó chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc rằng, đã đến lúc mình cần lo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể lo cho người lao động của họ. Đó là lo cho tiềm lực quốc gia, trụ cột của quốc gia và cũng chính là lo cho dân.
Thứ hai là y tế, có rất nhiều tấm gương sáng trong thời gian vừa qua. Thứ ba là công an, thứ tư là quân đội. Nhưng cuối cùng vẫn có thể thấy, nguồn lực và vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng.
Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Ví dụ như Hoa Kỳ, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng 30% GDP của các nước; con số này ở Nhật Bản là 50% GDP, còn Việt Nam thì sao? Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau.
Và để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, khen chê cần rõ ràng thì doanh nghiệp mới phát triển đi lên được”, ông Hợp phân tích và nhấn mạnh.
Tháo gỡ những nút thắt
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến về những lực cản và nút thắt cần tháo gỡ để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong bối cảnh mới
Theo ông Dũng, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là kẹt cứng ở một mặt là mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với Covid. Đã tới lúc các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ về điều này bởi nếu không gỡ được tư duy này thì không thể gỡ được cho doanh nghiệp. Kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, nếu vài quý có con số kinh tế phát triển âm như hiện nay thì suy thoái rõ rệt.
Việc phục hồi kinh tế sau đại dịch vô cùng quan trọng, cho nên cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được. Phải chấp nhận mở cửa kinh tế, chấp nhận tỷ lệ phát bệnh thấp hơn năng lực y tế, như tất cả các nước khác. Nếu giữ được điều đó thì có thể an toàn.
Cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, có 2 vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất là câu chuyện khôi phục mở cửa kinh tế với thế giới, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu. Cần tạo điều kiện đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chứ không thể ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vì sẽ cản trở vấn đề di chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu vật tư…
Thứ hai, là câu chuyện nhân lực công nhân cho doanh nghiệp. Làm thế nào để thu hút họ trở về các thành phố. Đặc biệt là, với trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản. Phải làm sao để công nhân có nhà ở ổn định ở các khu công nghiệp để họ an cư, an tâm sản xuất kể cả khi xảy ra ra dịch bệnh khác. Phải biến việc nhà ở cho người lao động sớm thành hiện thực.
Thứ ba, với nhóm tiêu dùng thì cần phải bảo đảm thị trường mở cửa trở lại. Tóm lại, vấn đề an sinh xã hội cho người dân nói chung, người nghèo, người lao động phải được đáp ứng tốt nhất để từ đó kích cầu tiêu dùng.
Thứ tư, vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp. Nhưng thực chất là đối với vấn đề vay vốn cho doanh nghiệp, có hai vấn đề: nếu vay của dân bằng trái phiếu hay công cụ nào thì phải trả lãi suất cao; Thứ nữa, là tiền tích trữ cần phải chi tiêu luôn vì không phải lúc này thì còn lúc nào nữa.
Thứ năm, đối với thủ tục và chính sách hiện nay còn rất vướng, tôi cho rằng Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ các thủ tục chính sách cần thiết.
Kết luận Tọa đàm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, những bàn luận về trách nhiệm xã hội của doanh nhân; về tinh thần đồng hành của doanh nhân trong cuộc chiến chống Covid,… góp phần mở ra những vấn đề mới: Đó là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hậu đại dịch và những nhìn nhận về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội.
Trong khủng hoảng, doanh nghiệp cần biết đùm bọc, chia sẻ với nhau, như hình ảnh cây ATM của doanh nghiệp Việt Nam là một hình thức sáng tạo ra trong thời gian qua. Vấn đề cuối là cần kiến tạo một môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chứng minh truyền thống và tinh thần tương thân tương ái, yêu nước của mình. Điều này không chỉ khẳng định rõ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn mới mà còn làm nên một hình ảnh đẹp cho đất nước.
Việt Anh (ghi)