Bài 1: Bảo hiểm nhân thọ - kênh bảo vệ rủi ro
Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã hứng chịu không ít "búa rìu" dư luận trong thời gian qua, nhất là sau vụ "lùm xùm" của diễn viên Ngọc Lan khi “tố” tư vấn viên bảo hiểm tư vấn mập mờ, gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia thì, bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích bảo vệ khách hàng khi gặp rủi ro, chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời.
Bảo hiểm nhân thọ - nhiều tiềm năng tăng trưởng
Bảo hiểm nhân thọ đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và ngày càng thể hiện được vai trò trong cuộc sống mỗi gia đình và cả đối với nền kinh tế.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so năm trước, bất chấp tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh; trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 49.549 tỷ đồng, tăng trưởng 18,5 %.
Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so 2021. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 178.269 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 11,8% so 2021).
Về xu hướng năm 2023, với nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao về những rủi ro trong cuộc sống, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt. Theo dự báo, năm 2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm (mới) có hiệu lực thi hành - sẽ thúc đẩy chất lượng phát triển của thị trường bảo hiểm trong thời gian tới. Và năm 2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15% so 2022.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Lê Trung Dũng cho biết, tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ là rất lớn, do tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn thấp, tỷ lệ người có hợp đồng bảo hiểm chưa cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không ngừng đầu tư vào chuyển đổi số, cải thiện chất lượng dịch vụ và gia tăng thêm sản phẩm mới nên thời gian tới, số lượng người tham gia bảo hiểm sẽ đông đảo hơn.
Dưới góc độ quản lý, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) bà Phạm Thu Phương cho biết, tại Việt Nam, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm yên tâm hưởng thụ cuộc sống và dự phòng các kế hoạch tài chính cho tương lai.
Theo bà Phương, với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân.
Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro
Trang web của các công ty bảo hiểm nêu định nghĩa bảo hiểm nhân thọ: "Sản phẩm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Bảo hiểm nhân thọ là một trong những cách dự phòng tài chính dài hạn cho tương lai".
Theo thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, TS. Cấn Văn Lực, bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ khách hàng khi gặp rủi ro, chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời. Khi nhiều người mua, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đủ lượng tiền bồi thường cho những người bị rủi ro. Đây là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhìn nhận, khi mua bảo hiểm - tức là đã sở hữu thêm một “lá chắn” - giúp người tham gia thêm an tâm, không phải lo lắng về những gánh nặng tài chính khi gặp chấn thương, thương tật, thậm chí là tử vong. Rủi ro do tai nạn là không thể lường trước, nhưng bảo hiểm tai nạn sẽ giúp những người tham gia và gia đình của họ giảm bớt âu lo vì đã có sự chủ động dự phòng trước rủi ro.
Hiện nay, không ít người nhầm lẫn bảo hiểm nhân thọ là một kênh đầu tư vì lý do, phần lớn các trường hợp người tham gia bảo hiểm sẽ nhận được quyền lợi lớn hơn nhiều so số tiền đã bỏ ra. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rõ rằng, giá trị của một hợp đồng bảo hiểm nằm ở sự bảo vệ, chứ không phải là một kênh đầu tư đem lại lợi nhuận lớn.
“Không ít người mua bảo hiểm không rõ mục đích mua, để phòng ngừa rủi ro, tích lũy cho sau này hay đầu tư sinh lời. Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, bà Phạm Thu Phương cho biết, bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc số đông bù số ít. Mối quan hệ trong hoạt động bảo hiểm, không chỉ là doanh nghiệp với người được bảo hiểm.
“Suy rộng ra thì đó là mối quan hệ giữa những người được bảo hiểm thông qua cơ chế hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm. Thực chất, bảo hiểm là việc phân chia tổn thất của một số ít người cho tất cả những người tham gia cùng chịu. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm, thể hiện tinh thần tương trợ, chia sẻ khó khăn, mất mát thiệt hại khi gặp hoạn nạn giữa những người tham gia bảo hiểm”, bà Phạm Thu Phương nêu.
Phó trưởng phòng Khoa học (Đại học Luật Hà Nội) Trần Vũ Hải cho rằng, qua những "lùm xùm" liên quan đến sự kiện bảo hiểm nhân thọ vừa qua, có thể thấy, nhiều người tham gia bảo hiểm để bảo vệ rủi ro, nhưng lại có suy nghĩ là đầu tư sinh lời.
“Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tài chính hiện đại, phương thức để người tham gia bảo vệ trước rủi ro và tích lũy, nhưng nhiều khách hàng lại tiếp cận bảo hiểm là đầu tư. Tham gia bảo hiểm, đóng phí nhỏ, nhưng được bồi thường, được chi trả lớn hơn. Đó là bản chất của bảo hiểm, chứ không phải đóng tiền vào để nhận lại bao nhiêu”, TS. Trần Vũ Hải nhấn mạnh.
Ngọc Linh