Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận tại hội trường như sau:

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm

Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ (Điều 16), đại biểu Nguyễn Thị Huế phân tích, thực tiễn quản lý đất hành lang an toàn đường bộ đối với đất chưa thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng, để thuận lợi, rõ ràng và minh bạch trong quá trình áp dụng, đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật phạm vi người sử dụng được thực hiện hay không được thực hiện liên quan đến hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị xem xét nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp như: Các quy định tại Chương IV dự thảo Luật Đường bộ quy định về tổ chức vận tải đường bộ, trong đó có các quy định liên quan đến vận tải hành khách bằng xe ô tô (từ Điều 57 đến Điều 60), vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (từ Điều 61 đến Điều 64), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 65), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 66), hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô (Điều 70).

Tuy nhiên, đối chiếu với Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về phương tiện giao thông đường bộ cho thấy cũng có những nội dung liên quan như: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hành khách (Điều 45/4), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non (Điều 465), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ (Điều 476), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa (Điều 487), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa (Điều 498).

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Tại nhiều điều trong dự thảo Luật Đường bộ có quy định nội dung dẫn chiếu đến việc thực hiện của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, như: khoản 2 Điều 57 hay tại khoản 6 Điều 59; khoản 3 Điều 61; khoản 2 Điều 63; khoản 1 Điều 65; khoản 1 Điều 66… Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét, nghiên cứu chuyển nội dung quy định về tổ chức vận tải đường bộ sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, tìm hiểu và chấp hành pháp luật, nhất là của người dân và các đơn vị, tổ chức liên quan. 

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị chuyển nội dung quy định: “Cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải bằng xe ô tô” tại điểm đ khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật Đường bộ sang Điều 8 về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, thuận lợi khi xây dựng cơ sở dữ liệu.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cần điều chỉnh nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ

Quan tâm đến nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật đang quy định quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống Quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ. 

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như vậy là chưa chính xác, cần chỉnh sửa lại theo hướng quy hoạch hệ thống Quốc lộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống Quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ.

Hiện dự thảo Luật đang quy định Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch “mạng lưới đường bộ” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên tại điểm a, khoản 2, Điều 30 về kết nối giao thông đường bộ quy định: Kết nối các hệ thống đường bộ, các tuyến đường bộ với nhau tạo thành mạng lưới đường bộ. Theo đại biểu, quy định như vậy thì mạng lưới đường bộ sẽ bao gồm tất cả các hệ thống đường bộ đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Tiến cho biết, dự thảo Luật còn quy định thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa chính xác, vì thời điểm quy hoạch mạng lưới đường bộ và thời điểm quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ không trùng nhau thì sẽ lệch pha nhau và chỉ đúng khi thời điểm quy hoạch trùng nhau. Theo đại biểu, quy định này nên chỉnh sửa lại theo hướng thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH Bình Định: Bổ sung thêm đường tốc độ cao để bao quát và tổ chức giao thông cho phù hợp

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định quan tâm đến Điều 10 quy định cấp kĩ thuật của đường bộ. Theo đó, tại khoản 2 Điều này, đại biểu cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH Bình Định
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH Bình Định

Về Điều 11, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc đặt tên, đổi tên và số hiệu đường bộ với các quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với đường cao tốc sử dụng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định cách đặt tên đường cao tốc sao cho khoa học để người tham gia giao thông thuận tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó, đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc chính thì cần thêm các kí tự “a,b,c,d…”, và biển chỉ dẫn trên các tuyến đường cao tốc cũng cần được quy định rõ ràng. 

Tại Điều 23 quy định về lắp đặt đường bộ, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nên sửa lại là “lắp đặt và sơn báo hiệu đường bộ” vì nếu dự thảo chỉ quy định việc lắt đặt thì chưa bao hàm hết và thực tế cho thấy nhiều biển báo bị che khuất nên cũng cần phải sơn hỗ trợ trên mặt đường.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Rà soát, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại khoản 6 Điều 2 quy định: Người quản lý sử dụng đường bộ là chủ sở hữu trực tiếp quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ, hoặc tổ chức cá nhân được giao quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy không rõ ràng. Bởi người sử dụng đường bộ phải là người tham gia giao thông, là tổ chức cá nhân, còn người chủ sở hữu vận hành những công trình đường bộ khai thác, vận hành là của tư nhân hoặc của nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị xem lại khoản 6 Điều 2 của dự thảo luật theo hướng người sử dụng đường bộ là tổ chức cá nhân, người tham gia giao thông. 

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Xuân Thân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và bổ sung định nghĩa các loại đường như đường bộ, đường cao tốc, đường đô thị, ngõ, ngách, hẻm,… để đảm bảo rõ ràng, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng khi luật được thông qua.

Đại biểu cũng quan tâm đến quy định về đặt tên, đổi tên số hiệu đường bộ tại Điều 11, trong dự thảo luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo đại biểu, nên xác định thẩm quyền đặt thên đường bộ ngay trong luật.

Đại biểu cũng đề nghị ưu tiên mọi nguồn lực để thi công nhanh nhất để trả lại mặt bằng cho giao thông công cộng tại Điều 32 của dự thảo luật. Bởi thực tế cho thấy, bụi, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông công cộng gây ra nhiều hệ lụy khi triển khai thi công các công trình đường bộ.

PV (lược ghi)