Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người nhập cảnh

Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều địa phương khu vực phía Nam phát hiện, bắt giữ nhiều vụ nhập cảnh trái phép, cho thấy công tác kiểm soát người nhập cảnh cần phải siết chặt hơn.

Liên tiếp phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Chỉ trong 3 ngày (5, 6, 7/3), lực lượng chức năng tại TP. HCM, Tây Ninh, đã phát hiện 56 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (40 người bị phát hiện tại TP. HCM và 16 người tại Tây Ninh).

Cụ thể, tại TP. HCM, ngày 5/3, Công an Q.Gò Vấp kiểm tra hành chính khách sạn Queen (537/8 Nguyễn Oanh, P.17, quận Gò Vấp) phát hiện 5 người Trung Quốc lưu trú. Nhóm người TQ này khai nhận đi từ Phúc Kiến (Trung Quốc) qua các đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới phía bắc để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó đón ô tô vào TP. HCM lẩn trốn trong khách sạn.

vbx
Trong 2 ngày (5, 6/3) lực lượng chức năng phát hiện 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở TP. HCM. (Ảnh HT)

 Tiếp đó, ngày 6/3, lực lượng chức năng tại TP. HCM đã kiểm tra ô tô do Đ.D.T (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) điều khiển đang đậu trước khách sạn Symphony (120 Lý Tự Trọng, P. Bến Thành, Quận 1), phát hiện trên xe có 13 người Trung Quốc. Tài xế T. khai chở số người này đến khách sạn Symphony để lưu trú. Tiến hành kiểm tra hành chính khách sạn Symphony, Công an TP. HCM phát hiện thêm 22 người Trung Quốc đang lưu trú, không khai báo.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, khoảng 17 giờ ngày 6/3, qua tin báo của quần chúng, Công an xã Long Chữ, huyện Bến Cầu đã phối hợp lực lượng chức năng khoanh vùng và phát hiện 9 người Trung Quốc trong khu vực vườn cao su giáp ranh với xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Đến 7 giờ ngày 7/3, tại căn chòi trong vườn cao su thuộc ấp Long Bình (xã Long Chữ, huyện Bến Cầu), lực lượng chức năng bắt giữ thêm 7 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

v
6 gia đình (35 người) gốc Việt Nam đã được lượng tuần tra vận động quay lại phía Campuchia để phòng, chống dịch Covid-19 lây lan. (ẢNH: NGHIÊM TÚC)

Trước đó (đêm 4/3), lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã phối hợp phát hiện một chiếc ghe lớn và 17 chiếc ghe nhỏ (loại vỏ lãi) đang đi về phía Việt Nam. Trên các ghe có tổng số 35 người thuộc 6 hộ gia đình gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Campuchia muốn trở về Việt Nam định cư. Lực lượng tuần tra đã vận động 6 gia đình này quay lại phía Campuchia để phòng, chống dịch Covid-19 lây lan.

Trách nhiệm thuộc về ai?                   

Liên quan vụ phát hiện 56 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đối với 40 người lưu trú tại 2 khách sạn ở quận 1 và quận Gò Vấp, các đơn vị liên quan đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và thực hiện cách ly theo quy định đối với 40 người Trung Quốc nói trên; đồng thời lập hồ sơ điều tra cá nhân, tổ chức đưa 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, Công an TP. HCM cũng chỉ đạo Công an Quận 1, quận Gò Vấp xử lý 2 khách sạn về hành vi kinh doanh lưu trú mà không tổ chức khai báo. Còn tại tỉnh Tây Ninh, hiện 16 người Trung Quốc nói trên đã được đưa đi cách ly tại Trường CĐ Sư phạm tỉnh Tây Ninh.

Trước sự việc nhiều địa phương khu vực phía Nam phát hiện, bắt giữ nhiều vụ nhập cảnh trái phép, dư luận đặt câu hỏi, với hành vi trên, các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ chịu trách nhiệm gì?

Trao đổi với Phóng viên Thương hiệu và Công luận, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh thông luật, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, trường hợp 2 khách sạn Queen và khách sạn Symphony (TP. HCM) và cá nhân, tổ chức tại tỉnh Tây Ninh biết những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà vẫn chứa chấp, giúp sức có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nhận thức và hậu quả xảy ra. “Nếu giúp sức tiếp tay cho các đối tượng tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trái phép thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm”, Luật sư Bình nêu ý kiến.

H
Thời gian qua lực lượng chức năng tại TP. HCM đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân thực hiện công tác phòng chống dịch Covid - 19. (ẢNH: PV)

Đối với các đối tượng có hành vi tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Với hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép của nhóm người Trung Quốc sẽ bị xử phạt hành chính. “Thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những hành vi này có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Do đó, trường hợp nhập cảnh, tổ chức nhập cảnh trái phép mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự cả đối tượng tổ chức và đối tượng nhập cảnh trái phép”, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm.

Dẫn cụ thể quy định tại Điều 17, Nghị định 167, luật sư Bình cho biết, đối với người nhập cảnh trái phép, nếu có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Với người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Do đó, đối với 56 người Trung Quốc đi qua biên giới Việt Nam mà không thực hiện thủ tục khai báo hải quan, cũng không thực hiện thủ tục cách ly y tế mà không phải là người tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép với số tiền có thể lên đến 25.000.000 đồng.

bđ
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, pháp luật quy định với người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.(Ảnh: PV).

Đồng thời, những người này đã không thực hiện biện pháp cách ly y tế, phòng chống dịch bệnh theo pháp luật Việt Nam nên sẽ bị xử phạt về hành vi không tuân thủ quy định về khai báo, cách ly y tế với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo điều 7, Nghị định 117/2020 của Chính phủ.

Trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo điều 341 bộ luật hình sự năm 2015.

Còn theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP. HCM, vụ việc hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Việt Nam, lưu trú tại TP. HCM, Tây Ninh tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Để hàng chục người nhập cảnh trái phép, di chuyển quãng đường dài qua nhiều tỉnh, thành thì phải có sự giúp sức của một số tổ chức, cá nhân người Việt Nam. Chính vì vậy, Cơ quan công an cần điều tra, xử lý tận gốc những đường dây này để răn đe, cảnh báo.

Ngoài ra, cùng với việc bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép và hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị trục xuất ra khỏi Việt Nam theo quy định của luật xuất nhập cảnh và luật cư trú.

Với các đối tượng mà trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 347 bộ luật hình sự năm 2015.

h
Người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid - 19 (ẢNH: HCDC) 

Đối với các đối tượng môi giới, tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể, với số lượng người từ 11 người trở lên nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép, các đối tượng môi giới, tổ chức sẽ phải chịu mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Với số lượng người đến 56 người như thông tin ở trên, các đối tượng này có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Trường hợp các đối tượng nhập cảnh trái phép và đối tượng tổ chức môi giới nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015. “Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xét nghiệm, tổ chức cách ly y tế và làm rõ hậu quả của hành vi này để tiếp tục có những hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật’, Luật sư Trần Minh Cường cho biết thêm.

Trước diễn biến của dịch Covid – 19 và liên tiếp trong thời qua nhiều địa phương khu vực phía Nam phát hiện, bắt giữ, ngăn chặn nhiều vụ nhập cảnh trái phép. Thiêt nghĩ, ngoài việc lực lượng chức năng cần siết chặt hơn công tác kiểm soát người nhập cảnh thì người dân phải luôn đề cao cảnh giác, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để khoanh vùng và khống chế dịch.

Hoàng Dương – Nguyễn Tùng

Bài liên quan

Tin mới

Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII
Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?
5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?

Việt Nam có mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó có nhiều con sông lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng...

Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu
Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 23.5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu.

Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024
Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1325/QĐ-UBND quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố
Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố….

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.