Với doanh số bán lẻ hàng năm ở thị trường nội địa Việt Nam hàng trăm tỷ đô la, nhưng các công ty sản xuất kinh doanh Việt đã có nhiều cố gắng trong công tác phục vụ các thượng đế của mình, cả về giá cả và chất lượng hàng hóa. Người tiêu dùng xã hội đã được tôn trọng hơn, bình đẳng hơn, tính công khai minh bạch trong mua bán đã được cải thiện, đặc biệt đã bắt đầu thực hiện việc bảo vệ người tiêu dùng từ “gốc”, tức là bảo vệ theo chuỗi sản xuất phân phối, hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các đơn vị bán lẻ đã từng bước xây dựng được thương hiệu của mình thông qua công tác phục vụ và công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những mặt trái của công tác này vẫn còn nhiều điều cần phải bàn đến và tiếp tục giải quyết một cách mạnh mẽ hơn, cơ bản hơn, tạo một sự chuyển biến từ năm 2021 trở đi. Bộ Công Thương đã có đề xuất về sửa đổi về Luật bảo vệ người tiêu dùng với Chính phủ và Quốc hội, bởi Luật cũ đã có những điểm không còn phù hợp và đã xuất hiện những điểm mới trong công tác này.
Nhiều năm nay, trên thị trường nội địa đã xuất hiện nhiều hơn các hình thức buôn bán qua mạng thông qua các công cụ điện tử, sự phát triển của công nghệ 4.0 đã mang lại nhiều thuận lợi cho việc giao dịch mua bán, song cũng có nhiều phức tạp nảy sinh cần phải giải quyết, các vụ việc trong lĩnh vực buôn bán online còn phức tạp hơn và khó kiểm soát hơn so với phương thức bán hàng trực tiếp.
Nhiều hành vi xâm phạm mới xuất hiện ảnh hưởng đến người tiêu dùng chưa được điều chỉnh kịp thời.
Các quy định về công tác dịch vụ phục vụ trước, trong và sau bán hàng như bảo hành, đổi sản phẩm có lỗi hiện nay còn lỏng lẻo và chưa thuyết phục được sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng như nâng cao trách nhiệm đến cùng của bên bán hàng.
Những tranh chấp phát sinh có động chạm quyền lợi giữa bên mua và bên bán chưa được giải quyết đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng – cơ quan đại điện cho quyền lợi chính đáng của NTD trong toàn quốc cũng có những kiến nghị:
Quyền lợi NTD còn bị vi phạm khá phổ biến trên thị trường.
Hoạt động của Hiệp hội còn gặp khó khăn về nhiều mặt, chủ yếu liên quan đến chính sách và pháp luật của nhà nước.
Nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của NTD và doanh nghiệp còn hạn chế.
Vậy đứng trước những thực trạng tồn tại trên, chúng ta phải làm gì?
Ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ ngành sản xuất và lưu thông hàng hóa cần phải có những đề xuất thiết thực, khoa học và hiệu quả để góp phần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quan điểm rõ ràng là chúng ta phải quản lý, bảo vệ từ đầu khi hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu chuẩn bị đưa ra thị trường chứ không chờ đến khi phát sinh phức tạp mới đi giải quyết thì đã muộn.
Chắc chắn rồi đây, việc quản lý hàng hóa phải được quản lý theo chuỗi mang tính phổ biến, có địa chỉ của từng tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm trong quá trình vận động từ sản xuất tới tiêu dùng. Để khi xảy ra vụ việc có thể truy trách nhiệm một cách cụ thể, giải quyết đúng sai một cách rõ ràng phân minh.
Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương cùng các lực lượng quản lý dưới quyền tại địa phương như công an kinh tế, quản lý thị trường, y tế… Bởi vì mọi hiện tượng sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở và cơ sở đều nắm được, đều quan trọng là có quyết tâm giải quyết đến nơi đến chốn hay không mà thôi. Trong thực tế, có một số địa phương như ở Thổ Tang - Vĩnh Phúc, La Phù –Hoài Đức Hà Nội, các chợ Bến Thành, Đồng Xuân, hàng giả được sản xuất và buôn bán hàng chục năm nay một cách công khai, ai cũng biết, nhưng các cấp chính quyền cơ sở không ai chịu trách nhiệm cả. Không hiểu vì lý do gì. Đồng chí thường trực Ban bí thư trong cuộc họp tổng kết 10 năm phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã nói: “Nhiều sự việc xảy ra nhiều năm ở một số địa phương tại sao lại không biết?”
Nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức công vụ của các lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, đảm bảo lực lượng phải trong sạch vững mạnh, đảm bảo thu nhập tương đối đủ sống để họ không bỏ qua những vi phạm đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường tại các địa phương sở tại.
Bảo vệ người tiêu dùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một loại hàng hóa cụ thể nào đó như con cá, mớ rau mà còn phải nghĩ rộng hơn, sâu hơn về môi trường kinh doanh, môi trường sống ở các địa phương. Câu hỏi đặt ra là nếu đất, nước, không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép thì làm sao có rau sạch, rau an toàn để phục vụ nhân dân, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã hội.
Ở thời đại công nghiệp 4.0, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ bằng các công văn chỉ thị, các buổi lễ phát động hoành tráng mà phải bằng những việc làm thiết thực cụ thể, phải ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống dữ liệu tổng hợp (Big data) đánh giá nhận xét và đề ra những giải pháp cho phù hợp với từng sự việc hiện tượng đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường.
Vai trò của cả hệ thống chính trị, các Hiệp hội ngành hàng sản xuất, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ… cũng đều phải có trách nhiệm phát hiện, đề xuất những giải pháp phù hợp trong công tác phục vụ người tiêu dùng cả về mối quan hệ mua bán giao dịch , giá cả hàng hóa và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cần các tổ chức tỏ rõ lập trường, thái độ đúng sai với những hành vi sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, mất bình đẳng, o ép nhau một cách vô lý trong quan hệ mua bán giao dịch trên thị trường. Bảo vệ và khuyến khích biểu dương những doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiến nghị, phê bình, xử lý những tổ chức cá nhân vi phạm các nguyên tắc bình đẳng, công khai trong quan hệ mua bán và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã hội. Nếu làm được vấn đề trên, chắc chắn tình hình thực hiện luật Bảo vệ NTD trong năm 2021 sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ và căn bản hơn, góp phần xây dựng một xã hội sản xuất kinh doanh minh bạch, công khai, trách nhiệm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đúng hướng và phục vụ đặc lực cho tiêu dùng của nhân dân, thiết thực kỉ niệm ngày Bảo vệ Người tiêu dùng 15 tháng 3 hàng năm.
Vũ Vinh Phú