Hội nghị được tổ chức tại Trụ sở Bộ GD&ĐT, cùng 63 điểm cầu trực tuyến tại các sở GD&ĐT trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, xác định tồn tại, hạn chế và đề ra định hướng trong việc xây dựng môi trường học đường bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng chống cháy nổ; phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm, bạo lực học đường, ma túy, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở giáo dục có những khó khăn rất lớn.

Tại một số địa phương, vẫn xảy ra tình trạng học sinh dùng chất kích thích, vi phạm đạo đức, lối sống, bạo lực học đường… Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn trường học, trong khuôn khổ chương trình, đại diện các sở GD&ĐT đã cùng trình bày báo cáo triển khai thực hiện về việc công tác phòng, chống ma túy trong trường học. Ngoài ra, các địa phương cũng nêu ra những thuận lợi, khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

Bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết:

“Từ năm 2016 đến nay, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã duy trì lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phòng ngừa ma túy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội của các cơ sở giáo dục (thực hiện tháng 8 và tháng 9 hằng năm). Riêng năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tập huấn với hình thức trực tuyến tới 115 điểm cầu và hơn 5000 cán bộ giáo viên, học sinh tham dự.

Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các trường học được thay đổi cả về nội dung và cách thức tuyên truyền... qua đó giúp các em học sinh có kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các loại tội phạm về ma túy, đồng thời nâng cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm về ma tuý”.

Trình bày báo cáo về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021, ông Lê Đức Hiền, Phó Viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD cho biết:

“Thực hiện kế hoạch số 599/KH-BGDĐT, hầu hết các Sở GD&ĐT đã nghiêm túc triển khai thực hiện: Xây dựng chương trình, bố trí, phân công cán bộ phối hợp với các Sở, ngành liên quan như Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện PSD; Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí, báo cáo UBND tỉnh, Thành phố.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn và các nhiệm vụ năm nay có nhiều đổi mới, tổng thể so với những năm trước, nhiều Sở GD&ĐT đã cố gắng phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt để đạt kết quả tích cực”.

Trong thời gian tới, một số địa phương sẽ cho phép học sinh được tới trường học trực tiếp thay vì học online như thời gian qua, các địa phương cũng trình bày chi tiết kế hoạch về việc công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống cháy nổ và bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại trường học; Báo cáo triển khai thực hiện về việc công tác phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học, những thuận lợi, khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Chia sẻ trực tuyến tại điểm cầu Sở GD&ĐT Nghệ An, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết:

“Công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh đi học trực tiếp được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên đối với các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục.

Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ luôn bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trong toàn tỉnh, phối hợp với ngành Y tế để xác định mức độ nhiễm dịch ở từng địa phương, tham mưu chính quyền có quyết định hình thức dạy học phù hợp”.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình cụ thể của dịch bệnh Covid-19 để lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên phù hợp với từng cấp học; đồng thời chủ động xây dựng các phương án, quy trình xử lý những sự cố phát sinh khi học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp.

Trong đó, ngành giáo dục & đào tạo cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tại địa phương nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trường học.

Trang Nguyễn