(Ảnh: Minh hoạ)

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện:

Khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN) các ngành, các cấp, gắn với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả.

Các Sở, ban ngành, quận, huyện tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch phương hướng tới; chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu trong các đợt triều cường dâng cao để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông.

Đồng thời, các Sở, ban ngành, quận, huyện khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc...

Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn (đặc biệt là sạt lở bờ sông, kênh rạch), tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai lớn trong những năm gần đây; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tổ chức tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện vận tải thủy (bao gồm cả tàu du lịch và bến khách ngang sông); hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu, thuyền khi có bão, lũ; nắm chắc số lượng, hướng dẫn hoạt động của các phương tiện vận tải thủy khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu nuôi thủy sản trên sông. Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: bão, mưa lũ lớn, ngập lụt, sạt lở đất...

Chú trọng công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục triển khai tổ chức, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên thiên tai, đặc biệt là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài không kịp thời do chia cắt hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Yến Linh