Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Báo Đấu thầu)

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV là một dự án quan trọng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, với mục tiêu góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2030.

Đây là dự án thuộc chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, có quy mô công suất khoảng 1.050 MW ± 10%, sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp.

Đồng thời là thành phần quan trọng trong Trung tâm Điện lực Ô Môn tại TP. Cần Thơ, cùng với các nhà máy điện Ô Môn I, II và III.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự án gồm 18 gói thầu với tổng giá gói thầu 18.468,8 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Trong đó, Gói thầu OM4-EPC-HHO-06 Thiết kế, mua sắm, xây dựng lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu NMNĐ Ô Môn IV có giá gói thầu lớn nhất với 17.820 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu vào quý III/2024.

Công việc chính của nhà thầu là khảo sát, thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu và bàn giao NMNĐ Ô Môn IV, trong đó không bao gồm phạm vi công việc thuộc các gói thầu số OM4-BOP-TVA-08 và OM4-BOP-HHO-09. Thời gian thực hiện hợp đồng 34 tháng, loại hợp đồng trọn gói.

3 gói thầu gồm: Gói thầu OM4-PMC-TVA-12 Tư vấn hỗ trợ quản lý dự án NMNĐ Ô Môn IV (PMC) với giá gói thầu 309,5 tỷ đồng; Gói thầu OM4-FIN-TVA-23 Tư vấn tài chính và thu xếp vốn cho dự án NMNĐ Ô Môn IV với giá gói thầu 54,2 tỷ đồng; Gói thầu OM4-ESIA-TVA-16 Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ thu xếp vốn dự án NMNĐ Ô Môn IV với giá gói thầu 15,3 tỷ đồng cũng được đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu lần lượt là quý IV/2024 và quý II/2025.

9 gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng có thể kể đến Gói thầu OM4-BOP-HHO-09 Xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị cho nhà hành chính và một số hạng mục phụ trợ (giá gói thầu 77,1 tỷ đồng); Gói thầu OM4-GEN-CAR-11 Bảo hiểm mọi rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu dự án NMNĐ Ô Môn IV (129,4 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, một số ít gói thầu còn lại sẽ lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu (quy trình rút gọn). Riêng Gói thầu OM4-FIN-TVA-20 Tư vấn pháp lý cho bên vay dự án NMNĐ Ô Môn IV có giá gói thầu 7,8 tỷ đồng sẽ được đấu thầu hạn chế quốc tế.

Dự án hứa hẹn không chỉ đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam và hệ thống điện quốc gia mà còn khai thác hiệu quả tài nguyên khí thiên nhiên từ mỏ khí Lô B, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại khu vực bờ biển Tây Nam.

Theo dự kiến, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV sẽ được vận hành vào năm 2028.

Trước đó, ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII).

Theo Phụ lục của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, các dự án nhiệt điện khí trong nước gồm: Nhiệt điện Ô Môn I (nhà máy điện hiện có, sẽ chuyển sang sử dụng khí Lô B, công suất 660MW); NMNĐ Ô Môn II (công suất 1.050 MW); NMNĐ Ô Môn III (công suất 1.050 MW); NMNĐ Ô Môn IV (công suất 1.050 MW); Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I (công suất 750 MW); Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II (công suất 750 MW); Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III (công suất 750 MW); Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Miền trung I (công suất 750 MW); Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Miền trung II (công suất 750 MW); Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng Trị (công suất 340 MW).

Các dự án nhiệt điện LNG gồm: Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (công suất 1.624 MW); LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 (công suất 1.200 MW); LNG Bạc Liêu (công suất 3.200 MW); NMNĐ Sơn Mỹ II (công suất 2.250 MW); NMNĐ BOT Sơn Mỹ I (công suất 2.250 MW); LNG Quảng Ninh (công suất 1.500 MW); LNG Hải Lăng giai đoạn 1 (công suất 1.500 MW); LNG Thái Bình (công suất 1.500 MW); LNG Nghi Sơn (công suất 1.500 MW).

An Nguyên (t/h)