Cần xử lý nghiêm hành vi “đội lốt” nhãn mác hàng hoá - Hình 1

Ảnh minh hoạ

Theo thống kê chưa đầy đủ, sản phẩm nấm ăn trong nước chỉ chiếm khoảng 10% thị trường, còn lại chủ yếu là nấm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc...

Nấm sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng do mất ít thời gian hơn so với nấm nhập khẩu, nên tươi hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Chính vì thế mà cùng một loại nấm, nhưng nấm Việt có giá bán cao hơn nấm nhập khẩu gần gấp đôi.

Thời gian gần đây, xảy ra tình trạng nấm ngoại trà trộn với thương hiệu nấm Việt để kiếm lời. Điển hình là sự việc của Công ty TNHH hai thành viên Lý Tưởng Việt, có địa chỉ ở 59 Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trà trộn nấm, giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Vườn nấm Minakami ở làng nghề Sơn Vi (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) và Công ty TNHH Long Hải ở Khu Công nghiệp Kim Sen, phường Kim Sơn (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Ông Kaneko Shozo, Giám đốc Công ty TNHH Vườn nấm Minakami cho biết, hành vi làm giả tem mác nấm mang thương hiệu của Công ty TNHH Vườn nấm Minakami đã diễn ra từ vài năm nay.

"Hiện chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn vì các đơn vị làm giả thương hiệu nấm của công ty. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến uy tín, cũng như việc kinh doanh nấm của chúng tôi", ông Kaneko Shozo nói.

Hành vi vi phạm của Công ty TNHH hai thành viên Lý Tưởng Việt diễn ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý. Trên thị trường vi phạm giả tem mác nấm Việt vẫn được bày bán công khai tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại. 

Sau một thời gian nhận được đơn thư tố cáo, xác minh, ngày 14/12/2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản- Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản thông báo tới các đơn vị liên quan về vi phạm nguồn gốc sản phẩm nấm của Công ty TNHH hai thành viên thực phẩm Lý Tưởng Việt.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản - Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kết luận: Sản phẩm nấm mỡ mà Công ty TNHH hai thành viên thực phẩm Lý Tưởng Việt bán trên thị trường không đúng sự thực, có dấu hiệu cấu kết (với đơn vị trồng nấm) để làm sai lệch hồ sơ.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần nấm Việt, là một doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm nấm trong nước rất bức xúc trước vi phạm này.

"Tôi gửi đơn tố cáo đến Chi Cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản – Thủy sản 5-6 tháng rồi nhưng vẫn chưa có kết luận trong thương mại. Tôi cho rằng có gì khuất tất", ông Quỳnh bức xúc nói.

Trong khi đó, Công ty TNHH hai thành viên thực phẩm Lý Tưởng Việt chỉ thừa nhận với các cơ quan chức năng đã bán sản phẩm dưới tem mác của nhà sản xuất khác là do “sơ xuất”!

Đến nay, vụ việc Công ty TNHH hai thành viên thực phẩm Lý Tưởng Việt vi phạm bán hàng giả danh tem mác của nhà sản xuất khác vẫn chưa được các cơ quan hữu quan xử lý dứt điểm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng uy tín sản phẩm Việt, trà rộn sản phẩm từ Trung Quốc, là vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Đây là hành vi cần lên án. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo về nhà sản xuất trong nước, bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ để bảo vệ người sản xuất mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Thanh Bình