Vũng Áng đã có trên 200 DN được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, tại bến cảng này, đang xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Lượng hàng hóa tăng đột biến
KKT Vũng Áng là một trong 5 KKT ven biển trọng điểm quốc gia. Trong đó, có khu liên hợp luyện thép 22 triệu tấn/năm; trung tâm điện lực, công suất 6.900 MW, bao gồm NM Nhiệt điện Vũng Áng I, công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, NM Nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, Cụm 10 tổ máy - Tập đoàn Formosa đang tổ chức thi công, Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với 59 cầu cảng…
Đặc biệt, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10 tỷ USD, đang là dự án FDI lớn nhất Việt Nam tại thời điểm này.
Cùng với tốc độ phát triển nhanh ở KKT Vũng Áng, dự báo các năm tới, khối lượng hàng hóa qua cảng Vũng Áng khoảng từ 3 - 4 triệu tấn. Dự tính, trong thời gian tới, sau khi cầu hữu nghị 3 nối liền 19 tỉnh đông bắc Thái Lan với Lào về cảng Vũng Áng, dự kiến hàng hóa qua cảng sau năm 2015 sẽ là từ 5 - 7 triệu tấn/năm... Với thực trạng hiện nay, cảng Vũng Áng sẽ không đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông quan.
Trong 2 năm qua, sản lượng hàng hóa qua 2 bến cảng Vũng Áng gia tăng đột biến, đặc biệt là hàng quá cảnh của Lào, hàng clinker của Quảng Bình và hàng thiết bị của dự án Formosa.
Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết: “Cảng Vũng Áng có 2 bến (bến 1 và 2), tổng công suất thiết kế là 1,32 triệu tấn/năm. Năm 2012, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 1,45 triệu tấn, vượt 9,8% so với công suất thiết kế; năm 2013, sản lượng lên gần 2,7 triệu tấn, vượt hơn 2 lần công suất thiết kế; tính đến 9/2014, con số là trên 22,3 triệu tấn, dự kiến hết năm 2014 sẽ là 3 triệu tấn, sẽ vượt gấp 2,5 lần công suất thiết kế. Trong khi lượng hàng thông qua cảng tăng thì thiết bị làm hàng tại cảng lại thiếu về số lượng, yếu về công suất. Diện tích kho bãi chứa hàng chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 so với yêu cầu.
“Cơ sở hạ tầng tại cảng Vũng Áng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của KKT với các dự án “tỷ đô”. Vũng Áng hiện đang bị quá tải nghiêm trọng”, ông Tuấn khẳng định.
Hàng loạt tàu ứ đọng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, lượt tàu đến cảng phải chờ đợi ngoài vùng neo để chờ vào cập cầu làm hàng chiếm hơn 80%. Tổng thời gian các tàu phải chờ đợi vào cầu làm hàng lên đến 24.000 giờ (tương đương 1000 ngày). Do tình trạng quá tải nên nhiều chủ hàng và cả cảng liên tục bị phạt vì lý do tàu phải chờ tại vũng neo dài ngày, dẫn đến thời gian giải phóng hàng chậm...
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh mới đây, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã đề xuất nhiều nội dung công tác với Cục Hàng hải để giải quyết tình trạng quá tải ở cảng Vũng Áng. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư bến số 3 cảng Vũng Áng; hỗ trợ cho nhà đầu tư bến số 4 - 5 và kêu gọi đầu tư bến số 6 cảng; đầu tư kéo dài đê chắn sóng cảng; tạo điều kiện cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm các thủ tục đưa các cầu cảng W1, W2, S1 vào khai thác, sử dụng chính thức cuối năm 2014; sớm xây dựng trụ sở trạm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Vũng Áng và triển khai đề án thành lập Trạm thông tin điện tử duyên hải tại Vũng Áng…
Thiết nghĩ, trong lúc kinh phí đầu tư của Nhà nước có hạn, song hành với đầu tư xây dựng bến cảng số 3, tỉnh Hà Tĩnh cần có chính sách thu hút DN, xã hội hóa đầu tư bến số 4, số 5... Do đầu tư xây dựng cảng biển cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần vốn đầu tư, hỗ trợ lãi suất hay cho vay lãi suất thấp thời gian để kích thích xã hội đầu tư cảng Vũng Áng.
Hoan Nguyễn