THCL   Giải thưởng Cánh diều vàng được coi là một trong những giải thưởng uy tín cho loại hình nghệ thuật thứ 7. Tuy nhiên, tại hạng mục phim truyện điện ảnh là sự “lên ngôi” của những bộ phim tư nhân, trong đó đại đa số là những bộ phim “hài nhảm” không được dư luận đánh giá cao.

Đến hẹn lại lên, Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp tục công bố tổ chức Giải thưởng “Cánh diều vàng 2016” – một giải thưởng thường niên hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đêm công bố trao giải sẽ diễn ra vào tối 9/4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam - TP Hồ Chí Minh.

Năm nay, giải Cánh diều vàng quy tụ hơn 100 phim tham dự tại 7 hạng mục: Phim truyện điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim ngắn và công trình nghiên cứu lý luận phê bình.

Chia sẻ với báo giới, BTC  nhấn mạnh về tiêu chí xét giải cho các tác phẩm gồm: “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Bên cạnh đó, giải thưởng năm nay sẽ không nhận các phim có yếu tố nước ngoài, được “Việt hóa” từ kịch bản của các nước khác.

Trong số 7 hạng mục tham dự tranh giải, hạng mục phim truyện điện ảnh là hạng mục được dư luận quan tâm nhất. Trong số 10 phim tham dự, thì tất cả đều được thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân và đã được trình chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc. Trong đó bao gồm những cái tên như:  “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Chạy đi rồi tính”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Sút”, “Fan cuồng”, “Chờ em đến ngày mai”, “Truy sát”, “Nàng tiên có 5 nhà”, “Sài Gòn anh yêu em”, “Sứ mệnh trái tim”, “Lộc phát”, “Bảo mẫu siêu quậy 2”, “Phim trường ma”, “Cao thủ ẩn danh”, “Tik Tak anh yêu em”, “Lục Vân Tiên tuyệt đỉnh Kungfu”...

Ở các hạng mục khác, là cuộc so tài cua 20 bộ phim truyền hình, 13 bộ phim hoạt hình, 16 phim ngắn, 11 phim khoa học, 39 phim tài liệu và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.

Điều đáng nói ở đây là hạng mục phim truyện điện ảnh thiếu vắng đi những bộ phim chất lượng, hoặc do nhà nước đầu tư. Mặc dù chúng ta ngày một “cởi mở” hơn trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng để những bộ phim chỉ mang lại “tiếng cười nhạt” cho khán giả mà thiếu đi những giá trị nội dung trong tác phẩm là điều hoàn toàn tiếc nuối.

Tron số những bộ phim tranh tài ở hạng mục phim truyện điện ảnh, chỉ có bộ phim “Sài Gòn anh yêu em” là được giới chuyên môn hay dư luận đánh giá cao bởi những thông điệp nhân vật, hay cách thực hiện triển khai các tuyến nhân vật, mạch cảm xúc trong bộ phim có sự hài hòa, lồng nghép với nhau.

Cánh Diều Vàng 2016: Phim “hài nhảm”...

Điều đáng nói bộ phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể” mặc dù thành công về mặt doanh thu, nhưng lại bị khán giả phản ứng dữ dội, thậm chí gay gắt về mặt nội dung. Dựa trên cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám”, bộ phim vẫn giữ nguyên mạch truyện đến gần cuối phim, nhưng cái kết lại là sự “pha tạp” giữa quái vật, khoa học viễn tưởng, thậm chí là phá bỏ hoàn toàn cái kết của truyện cổ tích đã đi vào lòng biết bao nhiêu thế hệ người Việt.

Cánh Diều Vàng 2016: Phim “hài nhảm”...

Những bộ phim còn lại thì chỉ xuất hiện “chớp nhoáng” tại các rạp chiếu phim rồi cũng nhanh chìm vào quên lãng khi đi theo “lối mòn” của nhiều bộ phim điện ảnh khác, tập trung quá nhiều vào những chiêu trò chọc cười khán giả, thậm chí là những nụ cười gượng gạo mà thiếu đi những thông điệp lồng ghép vào bộ phim.

Dù chưa có kết quả chính thức về giải thưởng cánh diều vàng cho hạng mục phim truyện, nhưng với những cái tên góp mặt đã phần nào cho thấy chất lượng ngày một đi xuống của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Liệu rằng với những bộ phim như thế có đủ sức đưa nền điện ảnh nước nhà vượt qua “đại dương lớn” ngoài kia, để được vinh danh trong những giải thưởng tầm cỡ thế giới?

Quang Nam