Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vĩnh Phúc có 8 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt hành chính với số tiền trên 90 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa gần 200 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là son môi, dầu gội đầu, phấn trang điểm, sữa rửa mặt, xịt khoáng, sáp nẻ...

Cảnh giác với mỹ phẩm giả, kém chất lượng - Hình 1

Chi cục QLTT Vĩnh Phúc phối hợp với các ngành chức năng tiêu hủy mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Điển hình, trong tháng 4/2018, Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu và gian lận thương mại đã tiến hành kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm Phương Lan A, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên. Tại thời điểm kiểm tra cửa hàng, đã phát hiện 8 mục hàng hóa là mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Cơ quan Qản lý thị trường tỉnh đã xử phạt cơ sở về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu với mức tiền phạt 7,5 triệu đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá trên 12 triệu đồng.

Qua kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, một trong những thủ đoạn của các chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm là bày hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành lẫn lộn với hàng nhập lậu, hàng giả nhập nhèm nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn được các chủ hàng giới thiệu là hàng “xách tay” mang thương hiệu nổi tiếng của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Canada… khiến người tiêu dùng rất dễ tin, mua phải hàng giả, nhái đội lốt hàng xách tay với giá bán cao.

Tại các chợ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, nhất là khu vực chợ tạm, chợ công nhân, mặt hàng này còn được bày bán lộn xộn hơn. Bên trong những gian hàng, rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán với đủ loại từ dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt đến kem làm trắng, kem trang điểm, kem chống nắng, nước hoa, phấn má, son môi… Khách mua hàng hỏi loại nào cũng có và được người bán mang ra giới thiệu, tư vấn rất nhiệt tình. Thậm chí, có những loại được gắn mác sản phẩm rất lạ, không có bất kỳ hướng dẫn nào bằng tiếng Việt, nhưng theo cách nói của những người bán hàng thì đây là hàng “xách tay” do người thân từ nước ngoài mang về nên không có tiếng Việt… nhưng lại có giá bán vô cùng hấp dẫn, chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 giá trị của sản phẩm chính hãng.

Theo lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, mỹ phẩm là 1 trong 3 mặt hàng “nóng” dễ làm giả nhất với thủ đoạn vi phạm rất tinh vi như: Trực tiếp sản xuất, pha chế, sang chiết, đóng gói hàng giả ra các bình, lọ chai dán nhãn của nước ngoài như Nhật, Pháp, Mỹ, Úc; đặt hàng ở Trung Quốc theo những sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài, sau đó, đem về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử lý các trường hợp mỹ phẩm giả, không rõ xuất xứ nguồn gốc còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn dựa vào các thủ tục giấy tờ. Đặc biệt, đối với một số mỹ phẩm có nhãn hiệu nước ngoài không có cơ quan đại diện tại Việt Nam, việc xác nhận thật - giả không thể thực hiện khiến công tác kiểm tra bị gián đoạn. Bên cạnh đó, với mức xử phạt được quy định chỉ từ 5-20 triệu đồng đối với kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, còn khá thấp so với lợi nhuận bán hàng, nên chưa đủ sức răn đe. 

Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh đã đề ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm để các tổ chức, cá nhân không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần sáng suốt lựa chọn những sản phẩm chất lượng, nên đến những địa chỉ bán mỹ phẩm uy tín, không nên mua những mỹ phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đó cũng là cách để bảo vệ mình và cũng là biện pháp chặt đứt thị trường tiêu thụ của hàng giả, kém chất lượng.

Hoàng Phúc