Trong năm 2018, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến khá phức tạp. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng dầu, than, pháo nổ, hàng đông lạnh... vẫn thường xuyên diễn ra phức tạp.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, toàn lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ, xử lý 70 vụ/76 tàu/322 đối tượng (có 59 đối tượng là người nước ngoài), tổng số tiền xử phạt và bán phát mại hàng hóa thu trên 200 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Buôn lậu trên biển vẫn có chiều hướng phức tạp (Ảnh: TH)
Tuy nhiên còn nhiều khó khăn khi đấu tranh trên biển, như: Đối với mặt hàng xăng, dầu: Các đối tượng mua xăng dầu của các tàu nước ngoài với giá rẻ, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; các tàu nước ngoài có hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ hồ sơ, để chứng minh quốc tịch, thông tin về tàu.
Các tàu của nước ngoài thường tiến hành bán dầu cho các tàu Việt Nam tại khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và những khu vực biển mà quy chế pháp lý chưa rõ ràng. Quá trình mua bán thường tổ chức cảnh giới chặt chẽ, khi bị phát hiện đối tượng nhanh chóng cơ động ra khỏi vùng biển Việt Nam; làm giả hồ sơ, hợp thức hóa giấy tờ; thường xuyên thay đổi hành trình. Phương thức giao dịch tiến hành nhanh gọn, bên mua và bên bán nhận nhau qua tín hiệu trước đó, bên mua cặp mạn nhận dầu, cách thức thanh toán do chủ của hai bên quyết định và diễn ra trong đất liền.
Các đối tượng buôn lậu, GLTM còn sử dụng thủ đoạn thuê phương tiện vận chuyển xăng dầu trái phép, khi bị cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng thường không ra trình diện, bỏ hàng, thành hàng vô chủ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Hoạt động buôn lậu xăng dầu tập trung chủ yếu ở khu vực biển Bắc miền Trung, Tây Nam, khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và Inđônêsia, Malaixia, Thái Lan.
Phương tiện vi phạm chủ yếu là tàu cá đánh bắt xa bờ, hoạt động dài ngày trên biển ít chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm. Cá biệt có một số vụ việc đối tượng sử dụng tàu dầu chuyên dụng, kể cả tàu quốc tịch nước ngoài, tàu cá cải hoán mua dầu từ tàu nước ngoài không rõ nguồn gốc sau đó vận chuyển bán lại cho các tàu cá trong nước để kiếm lời.
Ngoài ra, một số đối tượng còn lợi dụng việc cấp phép tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và sự ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, một số Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động trên biển đã lợi dụng đưa tàu ra vùng biển giáp ranh mua dầu lậu bán cho các tàu cá Việt Nam nhằm trốn thuế.
Phạm vi yêu cầu tuần tra, kiểm soát trên vùng biển rộng, lực lượng phương tiện mỏng, nguồn nhân lực hạn chế, chi phí bảo đảm lớn...
Thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh và phòng ngừa. Trong đó, biện pháp đấu tranh đóng vai trò chủ đạo trước mắt nhằm hạn chế các hoạt động vi phạm, tội phạm nguy hiểm của các đối tượng, đồng thời kết hợp các giải pháp phòng ngừa lâu dài nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Tổ chức quán triệt và thực hiện quyết liệt có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của nhân dân về đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tăng cường lực lượng TTKS trên các vùng biển trọng điểm, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bám nắm địa bàn, quản lý chặt chẽ diễn biến tình hình, các phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh có hiệu quả các đối tượng, đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và tội phạm ma túy.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan trong trao đổi, tiếp nhận thông tin triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý tội phạm, vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, tham gia hoạt động buôn lậu trên biển; động viên khen thưởng kịp thời cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, GLTM hàng giả trên biển.
Theo Mai Ka/BCĐ 389 Quốc gia