Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển công nghiệp, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng khá lớn, khá đa dạng về chủng loại. Tiềm năng phát triển du lịch với 214 khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng…

Nhằm phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, được sự đồng ý của Chính phủ, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp các bộ, ngành Trung ương, tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018”.

Chiều 6/11/2018, ông Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng ban Tổ chức chủ trì cuộc họp báo với nội dung: Cao Bằng tổ chức các sự kiện “Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Tại cuộc họp báo, công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 - huyện Thạch An - Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình Du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc” từ ngày 23 - 27/11/2018 tại thành phố Cao Bằng.

Hội nghị có sự tham dự của gần 400 đại biểu, gồm các cán bộ lãnh đạo cơ quan Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; các doanh nhân, nhà đầu tư; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương; lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. 

Cao Bằng: Phát huy tiềm năng, thế mạnh chào đón các nhà đầu tư và du khách - Hình 1

 Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trả lời báo chí tại cuộc họp báo

Đây là cơ hội để Cao Bằng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về lĩnh vực thương mại và du lịch, nhất là tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, thông tin các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng thời, tạo diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi thông tin về môi trường đầu tư, liên kết hợp tác đầu tư, thống nhất các giải pháp phù hợp phục vụ thu hút, quyết định lựa chọn đầu tư vào tỉnh; tăng cường hoạt động đối ngoại và quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp và địa phương.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho một số dự án đầu tư có quy mô lớn, trao thông báo tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư tại địa phương.

Cao Bằng có một số lợi thế tự nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp sạch, có tài nguyên khoáng sản và tiềm năng khai thác thuỷ điện, tài nguyên rừng.

Cao Bằng đã và đang chuẩn bị các điều kiện phấn đấu trở thành trung tâm kết nối nội vùng, cùng với các địa phương trong cả nước, hình thành cực phát triển và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Xuân Ánh chia sẻ: “Việc Cao Bằng triển khai tổ chức đồng loạt 4 nội dung lớn là dịp để tỉnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cũng là cơ hội để Cao Bằng quảng bá, mở rộng thương hiệu của địa phương, tăng cường kết nối, xúc tiến, thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín, có tiềm năng vào tỉnh, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thông qua các chương trình lần này, Cao Bằng sẽ tập trung khắc phục và vượt qua khó khăn hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt tập trung vào phát triển nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và du lịch”

Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng, sẽ diễn ra vào ngày 24/11/2018 với các nội dung chính: Giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội Cao Bằng; đánh giá cơ hội hợp tác phát triển thương mại du lịch và kinh tế đối ngoại của Cao Bằng; triển vọng kết nối hành lang kinh tế mới từ các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc đến Việt Nam và ASEAN; kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu; cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh...

Cao Bằng: Phát huy tiềm năng, thế mạnh chào đón các nhà đầu tư và du khách - Hình 2

Hoạt động thu hút du lịch của tỉnh Cao bằng thông qua lễ hội Thác Bản Giốc lần thứ II năm 2018

Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến thời điểm này, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức công bố ký kết đầu tư của 16 dự án đến từ 15 nhà đầu tư với tổng trị giá hơn 4.230 tỷ đồng, đồng thời ký kết ghi nhớ đầu tư của gần 10 dự án và đưa ra hơn 30 dự án khác nhau trong danh mục kêu gọi đầu tư.

Về phát triển du lịch, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng khẳng định, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, phát triển thị trường xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch…

Riêng với công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng mới được công nhận và sẽ chính thức nhận danh hiệu vào tối 24/11 tới đây, tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển các loại hình du lịch thám hiểm, du lịch cộng đồng, cũng như nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng nghỉ dưỡng để tăng cường thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch…

Cao Bằng: Phát huy tiềm năng, thế mạnh chào đón các nhà đầu tư và du khách - Hình 3

Vẻ đẹp kỳ thú của hang động Ngườm Ngao (Trùng Khánh)

Tiềm năng phát triển du lịch với 214 khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có 90 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh; 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An; các điểm du lịch nổi tiếng như Khu du lịchThác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao, Chùa phật tích Trúc Lâm, Hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), Vườn Quốc gia Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình)...

Đặc biệt, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non  nước Cao Bằng, đây là bước đột phá trong phát triển du lịch hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sử dụng hợp lý tổng thể đa dạng tài nguyên, giá trị di sản.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ, với vị trí nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN.

Bên cạnh các sự kiện quan trọng trong ngày 24/11/2018, còn diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ tuần văn hóa, thể thao, du lịch Non nước Cao Bằng: Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “Trải nghiệm Việt Bắc - Khám phá Non nước Cao Bằng"; chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc; thi đấu các môn thể thao 6 tỉnh Việt Bắc (quần vợt, các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian); giới thiệu du lịch ẩm thực vùng Việt Bắc; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 - là dịp để Cao Bằng quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh đến các nhà đầu tư và chào đón du khách trong và ngoài nước thăm quan, trải nghiệm, khám phá non nước Cao Bằng.

                                                                                                                                                                          Hoàng Thiệp