Với hơn 3275 km2 trải dài trên địa bàn 9 huyện của tỉnh Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm, hoặc địa phương, được UNESCO trao cho danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Ở khu vực Đông- Nam Á cho đến nay chỉ có hai nơi được công nhận gồm có ở Malaysia và ở Đồng Văn của Việt Nam. Danh hiệu công viên địa chất toàn cầu được công nhận lần này là ghi nhận của UNESCO về cảnh quan rất đa dạng, điều kiện địa chất rất đặc biệt của đất nước Việt Nam cùng với đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội rất đa dạng.

UNESCO công nhận công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu - Hình 1

Thác Bản Giốc nằm trong công viên địa chất non nước Cao Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Nhóm tư vấn đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Cao Bằng, cũng như hồ sơ đăng ký. Đến tháng 9-2017, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới công viên địa chất châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng chuyên gia UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ công viên địa chất Non Nước để trở thành công viên địa chất toàn cầu. Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 ở Paris, hồ sơ đã được Hội đồng Chấp hành thông qua và công nhận.

“Đây là một vinh dự không chỉ đối với Cao Bằng mà của cả Việt Nam vì đây là lần thứ hai nước ta nhận được danh hiệu này. Chúng tôi đến đây với một thông điệp, cam kết với UNESCO rằng chúng tôi rất coi trọng việc xây dựng và phát triển công viên toàn cầu gắn với phát triển bền vững”. Ông Hoàng Xuân Ánh chia sẻ.

Trước đó, tháng 9/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới công viên địa chất châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Quý Châu (Trung Quốc), Hội đồng chuyên gia của UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Ngày 11/4, tỉnh Cao Bằng chính thức đệ trình hồ sơ này lên UNESCO tại kỳ họp lần thứ 204 của Hội đồng Chấp hành của UNESCO.

Như vậy, Việt Nam đã có công viên địa chất thứ hai gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, trước Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã được công nhận vào tháng 10 năm 2010. Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều khu vực khác được đề cử như Núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Yên, Gia Lai hay Ba Bể (Bắc Kạn).

Ngọc Linh