Sáng 3/11, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Cao tốc Bắc - Nam: Đề nghị làm rõ chọn đầu tư theo BOT - Hình 1

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

8/11 dự án thành phần đầu tư theo BOT

Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh.

8 dự án đầu tư theo hình thức BOT. 3 dự án còn lại gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức đầu tư công.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.

“Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT”, ông Thanh nhấn mạnh.

Đối với 3 dự án còn lại, theo Ủy ban Kinh tế, cần làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Ngoài ra, 2 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của dự án.

“Riêng dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao”, ông Thanh nói.

Làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro để hút vốn nước ngoài

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020, khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó Chính phủ đề nghị bố trí vốn ngân sách khoảng 55.000 tỷ đồng cho lập thiết kế, giải phóng mặt bằng... Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế lưu ý, trong nguồn vồn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho dự án, Chính phủ có dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 27.694 tỷ đồng.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn, do chưa có cơ chế cung cấp các bảo lãnh và việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nên cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Trong khi đó, với dự án này, cần huy động khoảng 63.716 tỷ đồng ngoài ngân sách.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ giải trình, làm rõ nội dung trên; đồng thời nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

PV