Ngày 6/4, theo thông tin từ đại diện Ban Quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, hiện nay, các hạng mục tuyến chính và các nút giao đang dần hoàn thành việc xây dựng, sắp đưa vào nghiệm thu để phục vụ thông xe vào dịp 30/4. 

Với các đoạn đường gom dân sinh chưa hoàn thành, các nhà thầu đang chờ đợi các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp để thi công. Hiện nay, các nhà thầu đã tập kết thiết bị máy móc, sẵn sàng thi công, nhưng do thiếu nguồn đất đắp nên việc thi công hạng mục đường gom dân sinh tại một số đoạn gặp khó khăn.

Gói thầu XL04, đoạn qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được thảm nhựa xong, chờ kẻ vạch sơn đường.
Gói thầu XL04, đoạn qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được thảm nhựa xong, chờ kẻ vạch sơn đường (Ảnh: Báo Lao động)

Cụ thể, hiện 4 gói thầu của dự án, tính trung bình đạt trên 90% khối lượng. Trong đó, tại gói thầu XL-03, XL-04, khối lượng đầu việc phải hoàn thành còn ít, khi nhiều đoạn tuyết đang tiến hành sơn kẻ vạch đường, hoàn thành xong các hạng mục an toàn, lưới hàng rào. 

Gói XL-01, XL-02, nhiều hạng mục vẫn đang dang dở. Do vậy, Ban Quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã yêu cầu các nhà thầu quyết liệt hơn nữa. 

Ở diễn biến liên quan, cùng ngày 6/4, Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cho biết, đã có văn bản gửi chính quyền các địa phương - nơi có dự án đi qua tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tự ý di chuyển vào đường cao tốc này, do đang trong quá trình thi công.

Theo Ban quản lý Dự án Thăng Long, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, với chiều dài 99 km từ Bình Thuận đến Đồng Nai, dù chưa hoàn thành, nhưng có nhiều phương tiện gồm cả ô tô và xe gắn máy tự ý lưu thông. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Liên danh gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, có chiều dài hơn 35 km, đến nay đã cơ bản hoàn thành phần mặt đường. Tuy nhiên, trên tuyến còn các đường ngang, đường dẫn đầu cầu, đường gom, hệ thống hàng rào và hộ lan chưa xong; nhà thầu đang triển khai 300 đầu máy, phương tiện và 600 cán bộ, công nhân triển khai thi công. Tại những vị trí này, nhà thầu cắm biển cảnh bảo nguy hiểm, đề nghị người dân không vào công trường.

Do đó, vì lý do an toàn, nhà thầu đề nghị người dân không tự ý lưu thông trên cao tốc.

Trước đó, vào khoảng 13h ngày 6/4, đã xảy ra 1 vụ tai nạn trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đang trong quá trình thi công, khiến một người điều khiển xe máy tử vong.

Được biết, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, qua địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, mặt đường rộng hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h, được khởi công cuối tháng 9/2020. Dự án với hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, nhưng sau đó bị trễ hẹn về đích.

Liên quan đến nguồn đất đắp phục vụ dự án, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian đối với 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Ban Quản lý dự án Thăng Long nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tai các văn bản liên quan, xác định khối lượng cần thiết phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và khối lượng còn lại của 4 dự án. 

Phong Vân