THCL Sau khi tiếp nhận nguồn thông tin, thời gian qua, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã mở nhiều lớp đào tạo để cấp chứng chỉ Tin học đạt chuẩn…
Trụ sở UBND huyện Mỹ Đức
Địa phương mở nhiều lớp đào tạo để cấp chứng chỉ Tin học đạt chuẩn, dựa theo quy định của Thông tưsố 03/2014/TT-BTTTTvà Ngoại ngữ đạt chuẩn theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Tham chiếu chung châu Âu số 01/2014/TT-BGDĐT, theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, và các thông tư liên tịch số:21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV… Về điều kiện để cán bộ, viên chức muốn thi nâng ngạch thì phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định.
Sau khi tìm hiểu các bên có liên quan, được biết, vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức đã mở nhiều lớp học để đào tạo và cấp chứng chỉ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện.
Phóng viên đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên, qua trao đổi, ông trưởng phòng biết phóng viên nắm rõ quy trình, để mở được lớp đào tạo thì phải thực hiện các bước như thế nào nên ông Viện không dám thừa nhận Phòng Giáo dục và Đào tạo đã liên kết mở các lớp như đã nói trên.
Không đồng tình với cách trả lời của ông Viện, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Mỹ Đức. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND đã thừa nhận có biết sự việc trên. khi được hỏi “Phòng Giáo dục và Đào tạo có xin ý kiến lãnh đạo huyện không?”, ông Hậu trả lời là “có”! Khi phóng viên thắc mắc, theo đúng quy trình nếu Phòng Giáo dục và Đào tạo được thực hiện, thì chỉ được phép triển khai công việc khi có sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo huyện và huyện phải tiến hành ký hợp đồng liên kết với đối tác, sau đó mới ra thông báo tuyển sinh. Ông Hậu trả lời: Tôi đồng ý, nhưng chỉ “nói mồm thôi” (?!).
Phóng viên làm việc với đơn vị liên kết mở các lớp trên, đại diện của Trường Trung cấp đa ngành cũng thừa nhận, việc tổ chức tuyển sinh ở huyện Mỹ Đức, trường có đặt vấn đề với ông Viện để tuyển sinh, nhưng chỉ bằng “tình cảm cá nhân”, chứ không hề có bất kỳ văn bản nào thể hiện sự hợp tác giữa các bên.
Có thể thấy, cả một quy trình tuyển sinh đào tạo cấp chứng chỉ, huyện Mỹ Đức đã triển khai với số lượng không nhỏ (hơn 1.000 học viên), tuy nhiên, tất cả chỉ làm việc bằng “tình cảm” và “nói mồm” như vậy? Xét về mặt quản lý nhà nước, lãnh đạo huyện Mỹ Đức triển khai công việc chưa đúng quy định.
Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền huyện Mỹ Đức vào cuộc làm rõ về việc quản lý, giám sát, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai công việc theo đúng chức năng và nhiệm vụ và đúng pháp luật, kịp thời phát hiện những thiếu sót nhằm chấn chỉnh, tránh những dư luận không tốt, tạo niềm tin cho đội ngũ cán bộ, viên chức nói riêng và người dân huyện Mỹ Đức nói chung.
Thanh Bình