Ngang nhiên hút cát phía thượng nguồn
Những ngày này sông Đồng nai phía thượng nguồn (khu vực giáp danh với 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng) đang vào mua nước cạn, nhưng nước sông luôn nổi 1 màu trắng đục ngầu do tàu thuyền hút cát qua lại cả ngày lẫn đêm. Dọc theo dòng sông theo hướng từ xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đến xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng) có hàng chục bến tập kết cát và cả trăm điểm sạt lở nghiêm trọng. Có những đoạn diện tích sạt lở lên tới hàng trăm mét. Hai bờ sông bị xé toang, nham nhở tạo thành những hố sâu, đất bồi phù sa cũng bị sạt với diện tích lớn, đổ ập xuống lòng sông, kéo theo nhiều hécta vườn điều, cao su đang xanh tốt. Đây chính là hệ lụy của tình trạng hút trộm cát diễn biến phức tạp suốt thời gian dài.
Các đối tượng hút cát ngang nhiên chĩa vòi rồng xuống lòng sông. Tiếng máy nổ rền vang, ầm ĩ cả một góc rừng sau khi cát đầy ắp, họ lại thong thả cho thuyền về bến. Để che giấu hành tung, các tàu thuyền đều xóa sạch các số hiệu trên thân tàu nên ngành chức năng rất khó nhận diện. Các hộ dân khẳng định, đây là những tàu hút cát trộm, ăn theo các đơn vị được cấp phép khai thác cát.
Tàu hút cát xuất phát từ các bến tập kết cát thuộc xã Đăng Hà ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh với rừng Bắc Cát Tiên, mỗi ngày ít nhất từ 2 - 3 chuyến, có ngày lên tới 5 - 7 chuyến; sớm nhất là từ 3 giờ 30 và muộn nhất đến 21 giờ 30. Các tàu hút cát có trọng tải từ 70m3, 120m3 và lớn nhất là 150m3. Sau khi bơm hút cát xong, các đối tượng cho thuyền quay đầu trở về bến và bán ra từ 250.000 - 350.000 đồng/m3. Từ các bến ở xã Đăng Hà, cát sẽ được vận chuyển đến các điểm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, TP.HCM và các vùng lân cận.
Cát được các đối tượng bơm lên thuyền bị Công an TP Biên Hòa bắt giữ.
“Cát tặc” không chỉ tàn phá thượng nguồn, mà phía hạ du các đối tượng cũng nganh nhiên xục vòi hút cát bất chấp ngày đêm. Mới đây nhất, ngày 3/11, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai), bắt quả tang bốn thuyền đang bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, trong khi lực lượng Công an TP Biên Hòa tuần tra trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc địa phận phường An Bình, TP Biên Hòa phát hiện bốn thuyền đang bơm hút, vận chuyển cát trái phép. Khi thấy lực lượng Công an, các đối tượng nhanh chóng điều khiển thuyền tháo chạy. Tuy nhiên, sau khoảng 20 phút vây bắt, lực lượng Công an đã khống chế được bốn thuyền, cùng hàng chục đối tượng.
Qua kiểm tra, trong bốn thuyền có ba thuyền dùng bơm hút, một thuyền loại lớn dùng để vận chuyển. Trên các thuyền đều được trang bị máy mã lực lớn, có hệ thống chuyên dùng để bơm hút cát, với nhiều vòi rồng. Thời điểm bị bắt giữ có khoảng 50 m3 cát vừa được các đối tượng bơm hút từ sông Đồng Nai lên thuyền. Làm việc với lực lượng Công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, hằng đêm hút cát dưới sông Đồng Nai lên, sau đó vận chuyển đến một số bãi vật liệu ven sông để bán hoặc đưa đi một số tỉnh miền tây tiêu thụ.
Mặc dù các đối tượng khai thác cát trái phép thường xuyên bị cơ quan chức năng truy quét nhưng, các đối tượng này thường lợi dụng đoạn sông giáp ranh giữa hai tỉnh nếu bên này bị truy đuổi thì sẵn sàng chạy sang tình khác để tránh trú, khi lực lượng chức năng đi qua, họ lại thản nhiên quay lại tiếp tục bơm hút cát…
Các địa phương cần tăng cường xử lý
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 và Công văn số 8960/VPCP-CN ngày 19/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Một tàu khai thác cát trên sông Đồng Nai
Ngày 3/11 vừa qua UBND H.Cát Tiên (Lâm Đồng) cho biết vừa đề nghị Sở TN-MT đề xuất UBND tỉnh thu hồi 4 giấy phép khai thác khoáng sản cát trên sông Đồng Nai đã cấp cho 2 doanh nghiệp và 1 cá nhân, gồm: 2 giấy phép số 29 và 63 của DNTN Xuân Hà, giấy phép số 105 của hộ kinh doanh ông Nguyễn Tiến Dương, giấy phép số 64 của Công ty TNHH TM - SX - DV Thanh Hằng.
Lý do, những tổ chức, cá nhân này đã vi phạm nội dung nêu trong giấy phép như: khai thác ngoài thời gian quy định, ngoài phạm vi cấp phép, sử dụng phương tiện không đăng ký hoặc hết hạn đăng kiểm, sử dụng vượt số phương tiện khai thác được cho phép và gây sạt lở bờ sông.
Trước đó vào tháng 6/2017, lãnh đạo 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai thống nhất tạm dừng khai thác để đánh giá lại trữ lượng, tình hình sạt lở bờ sông đoạn giáp ranh 2 tỉnh này. Sau khi đánh giá xong, mới đây, ngày 21/6/2018, lãnh đạo 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai thống nhất cho khai thác trở lại và thời gian khai thác đến ngày 31/12/2018.
Chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục khai thác tại những vị trí không bị sạt lở, vị trí ngoài khu dân cư, ngoài phạm vi an toàn của trạm thủy lợi và các công trình xây dựng khác. Riêng đoạn giáp ranh Lâm Đồng - Đồng Nai, chỉ cấp phép trở lại cho các doanh nghiệp có giấy phép khai thác còn thời hạn đã được cấp trước đây.
Các doanh nghiệp khai thác phải cam kết, đảm bảo thực hiện đúng quy định trong hoạt động khai thác và phải tổ chức cắm mốc vị trí khai thác, công khai thời gian, chiều sâu, công suất khai thác và số lượng phương tiện khai thác theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Đối với các giấy phép khai thác nửa lòng sông phải thả thêm phao giữa lòng sông. Trong quá trình khai thác, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép và chấm dứt hoạt động khai thác cát.
Sau ngày 31/12/2018, lãnh đạo 3 tỉnh sẽ làm việc để thống nhất việc xem xét chấm dứt hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai trong thời gian tới. Được biết, hiện trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước có 16 giấy phép khai thác cát đã được được cấp phép trước đây đang còn hiệu lực.
Hải Đăng