Theo Vidifi, với phương án thứ nhất, loại xe nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) sẽ giảm từ 40.000 đồng xuống 35.000 đồng. Xe loại 2 (từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2-4 tấn) giảm từ 55.000 đồng xuống 45.000 đồng. Xe loại 3 (trên 31 chỗ ngồi, xe tải 4-10 tấn) giảm từ 75.000 đồng xuống 65.000 đồng. Xe loại 4 (xe tải từ 1-18 tấn, container 20 fit) giảm từ 125.000 đồng xuống 110.000 đồng. Xe loại 5 (xe tải trên 18 tấn, container 40 fit) giảm từ 180.000 xuống 160.000 đồng.
Phương án 1 sẽ phát sinh 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu áp dụng mức giảm giá này trong 3 năm (2018 - 2020), sau đó tăng giá trên cơ sở mức giá này (3 năm tăng 1 lần, mỗi lần 18%), Nhà nước phải cấp bù thêm 5.200 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025. Thứ 2, nếu việc giảm giá sau 3 năm (2018-2020), đến năm 2021 tăng lại đúng như phương án tài chính hiện nay (xe loại 1 vào thời điểm năm 2021 là 47.200 đồng/lượt), dòng tiền dự án thâm hút 456 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vidifi cũng thừa nhận, việc tăng giá đột ngột từ 35.000 đồng lên 47.000 đồng vào năm 2021 sẽ khó khả thi.
Phương án thứ 2, đưa phí đối với xe loại 1 từ 40.000 đồng hiện nay xuống 30.000 đồng. Xe loại 2 từ 55.000 đồng xuống 45.000 đồng, loại 3 từ 75.000 đồng xuống 65.000 đồng, loại 4 từ 125.000 xuống 110.000 đồng, loại 5 từ 180.000 xuống 170.000.
Nhiều tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm BOT trên QL 5 gây ách tắc kéo dài
Phương án này cũng có 2 kịch bản tương tự. Trong đó, mức cao nhất Vidifi đề nghị Nhà nước cấp bù đến 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về phương án miễn giảm phí cho các chủ xe gần trạm, Vidifi đã thống nhất với Tổng cục Đường bộ đưa ra phương án miễn hoặc giảm cho các chủ phương tiện có xe không kinh doanh vận tải trong phạm vi cách trạm 5 km. Xe hoạt động vận tải trong phạm vi này sẽ giảm 20%.
Với mức phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi cho biết vừa qua đã tiến hành giảm giá đối với các xe loại 4 và loại 5 nên sẽ không đề nghị giảm phí vì lo vỡ phương án tài chính.
Các dự án BOT thông thường chỉ cần sự thống nhất giữa Bộ GTVT và chủ đầu tư sẽ triển khai được phương án giảm giá. Tuy nhiên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án trọng điểm quốc gia, do Chính phủ phê duyệt đầu tư nên phương án giảm giá cũng phải được Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, khoảng 7h30 ngày 11/12, nhiều ô tô di chuyển trên quốc lộ 5 dùng tiền lẻ để trả phí đường bộ tại trạm thu phí BOT, đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên khiến khu vực này bị ùn tắc kéo dài.
Ngọc Linh